Sức khỏe

Chủ động ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm

Thu Trang 23/02/2024 - 06:34

Theo quy luật, ngay sau Tết Nguyên đán là giai đoạn chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, có mưa phùn kèm theo nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm.

Chính vì vậy, nếu không chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.

dich-benh.jpg
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Thạch Thất.

Nhiều bệnh gia tăng số ca mắc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 8 đến 14-2-2024) đã ghi nhận 357 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, có 37 ổ dịch sốt xuất huyết tại 5 địa phương, gồm: Tiền Giang, An Giang, Tây Ninh, Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu ngành Y tế các địa phương kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan rộng.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ ngày 9 đến 16-2, Hà Nội ghi nhận 8 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ổ dịch mới. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 432 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). CDC Hà Nội dự báo, có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân trong các tuần tới nên người dân không được chủ quan.

Cùng với sốt xuất huyết, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023) nhưng hiện không có ổ dịch mới. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Do đó, đây cũng là thời điểm người dân cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng.

Cũng theo CDC Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận một bé gái 4 tuần tuổi (ở huyện Quốc Oai) có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 3 trường hợp mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào. Điều đáng nói là trong giai đoạn nhiễm bệnh ho gà có thể lây từ người này sang người khác thông qua giọt bắn do người bệnh tiết ra khi ho, hắt hơi, khạc nhổ…

Về dịch Covid-19, hiện nước ta vẫn đang kiểm soát tốt. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh cũng chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như hiện nay và đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân gia tăng kéo theo nguy cơ lây lan dịch Covid-19. CDC Hà Nội thông tin, tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 318 ca mắc Covid-19 (tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Không lơ là, mất cảnh giác

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại cơ sở y tế, không để lây lan rộng. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đối với những hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh. Cụ thể là duy trì đội đáp ứng nhanh, bảo đảm sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng, diễn biến kéo dài. Mặt khác, theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Cùng với đó, duy trì công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc hoặc mắc bệnh.

Đối với những người có bệnh lý nền như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen, tim mạch…, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp lưu ý, nhóm đối tượng này cần lưu ý và quan tâm hơn trong việc phòng tránh nhiễm bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, cách ly và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh… Cụ thể là tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Cùng với đó, thường xuyên theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể để xử trí kịp thời, tránh lạm dụng kháng sinh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.