(HNM) - Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hệ thống sản xuất trong nước mới cơ bản đáp ứng nguồn giống cho các loại cây lương thực chính như lúa (hơn 95%), ngô (hơn 60%)… Và, mặc dù có nhiều vùng khí hậu có thể sản xuất được các loại hạt giống cây cận ôn đới nhưng 90% giống cây trồng công nghệ cao, đặc biệt là các loại giống rau, hoa cao cấp ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu - mỗi năm lên tới hàng chục triệu USD.
Giống cây trồng có vai trò quan trọng đối với sản xuất, đặc biệt ở những quốc gia đang thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp. Câu chuyện về chủ động nguồn giống, phát triển các loại giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi của môi trường… đã được giới chuyên gia đề cập từ nhiều năm trước. Thực tế cho thấy, những thành tựu trong nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng của Việt Nam là không thể phủ nhận. Thế nhưng, có thể thẳng thắn nhận định: Ngành sản xuất hạt giống cây trồng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của một nền nông nghiệp hàng hóa…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, như: Định hướng nghiên cứu chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất, đặc biệt là nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; việc thu thập, bảo tồn, sở hữu nguồn gen còn nhiều hạn chế; công nghệ, kỹ thuật sản xuất còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại nên giá thành sản phẩm cao, thiếu sức cạnh tranh; quá trình chuyển giao giống mới vào canh tác chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, nhà sản xuất… Đặc biệt, tình trạng “chảy máu chất xám” đã được giới nghiên cứu đề cập khi nhiều công ty đa quốc gia đang thu hút một lực lượng chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu giống cây trồng của Việt Nam.
Chủ động cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào hạt giống nhập ngoại, từng bước nâng cao chất lượng chọn giống, lai tạo giống cây trồng, ngành Nông nghiệp cần triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp với tư duy và phương pháp mới.
Trước hết là rà soát, thống kê toàn bộ giống cây trồng, xác định loại giống cần nhập khẩu và có thể sản xuất trong nước để đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu. Mặt khác, ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này; đồng thời chú trọng ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học, công nghệ phân tử…, qua đó tạo ra giống cây trồng đáp ứng nhu cầu của một nền nông nghiệp hàng hóa.
Cùng với đó là những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân trong chọn lọc, lai tạo, sản xuất giống cây trồng. Trong đó, chú trọng vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong việc nâng cao giá trị giống cây trồng. Mặt khác, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc tổ chức sản xuất, hỗ trợ hợp tác, bảo vệ bản quyền, thương hiệu cũng như thanh tra, giám sát…, bảo đảm chất lượng giống cây trồng trên thị trường.
Song song với việc ưu tiên nguồn ngân sách phát triển giống cây trồng chủ lực, nghiên cứu giống cây trồng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu… là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ mới. Và, thay vì trông chờ “túi tiền” từ những chương trình, đề tài khoa học, các nhà nghiên cứu giống cây trồng cần chủ động cộng tác với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có thể đưa vào sản xuất thương mại, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Triển khai đồng bộ các giải pháp với cách tiếp cận mới, điểm yếu về nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng của ngành Nông nghiệp sẽ sớm được khắc phục!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.