Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiểm soát dịch bệnh

Bắc Vũ| 28/10/2022 06:29

(HNM) - Bộ Y tế vừa đưa ra thông tin được nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện nay là mặc dù số ca mắc Covid-19 trong thời gian qua giảm mạnh, nhưng Việt Nam chưa thể công bố kết thúc đại dịch Covid-19.

Có nhiều lý do mà chúng ta vẫn phải “sống chung” trong bối cảnh “bình thường mới” với đại dịch Covid-19. Trước hết là trên thế giới, dịch bệnh này vẫn rất phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện những biến chủng khó dự báo hơn. Sẽ rất nguy hiểm, nếu tình huống này xảy ra thì nguy cơ làm giảm hiệu quả vắc xin, giảm miễn dịch là rất cao; khi đó dịch bùng phát là hiện hữu và sẽ đặt gánh nặng lên hệ thống y tế.

Vấn đề đáng quan tâm hơn là khi công bố hết dịch chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức. Cụ thể là các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp. Việc huy động nguồn lực con người, cơ sở vật chất phòng, chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh...

Thực tế thời gian qua, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản đã trở về trạng thái “bình thường mới”, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Trên tinh thần này, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan trước đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác đang lưu hành như cúm, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, adenovirus… Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là ngành Y tế cùng các ngành chức năng cần đánh giá đúng nguy cơ, diễn biến của các loại dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong từng giai đoạn để có giải pháp ứng phó phù hợp. Bởi thực tế, khi không đánh giá đúng nguy cơ, đáp ứng không tới sẽ không kiểm soát được dịch bệnh. Ngược lại, đánh giá nguy cơ thái quá sẽ áp dụng biện pháp không phù hợp, gây tốn kém, ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội của người dân.

Một vấn đề cần hết sức lưu ý nữa là không chỉ có dịch Covid-19, chúng ta cần đánh giá đúng nguy cơ tất cả các loại dịch bệnh. Làm như vậy để có giải pháp phòng ngừa tổng thể, đồng bộ, tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” gây khó khăn cho ngành Y tế.

Trong bối cảnh hiện tại, các cấp, ngành cùng người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đang áp dụng. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả thông điệp: 2K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Như vậy, ngoài “2K” gồm khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đông người và thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập sạch sẽ; cơ quan y tế nhấn mạnh đến việc tiêm đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc xin phòng Covid-19 theo quy định để đáp ứng miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, người mắc Covid-19 phải được điều trị, cách ly kịp thời, mang khẩu trang, hạn chế tối đa đến nơi đông người. Đặc biệt, phải tập trung thực hiện các biện pháp y tế nhằm giám sát, chú trọng bảo vệ nhóm người nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…

Chủ động kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng đồng bộ nhưng cần dự phòng hệ thống giải pháp đồng bộ; kiên quyết không được buông trôi, thả lỏng việc phòng, chống dịch bệnh. Đó là mấu chốt để chúng ta vừa khống chế dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiểm soát dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.