Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn| 11/01/2019 07:36

(HNM) - Bước vào năm kế hoạch 2019, nền kinh tế nước ta tiếp tục dồn sức cho việc bảo đảm hoàn thành các mục tiêu vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).


Nhìn lại diễn biến CPI năm 2018 cho thấy, CPI tăng đều qua các tháng tính từ đầu năm đến hết quý III. Sang quý IV, diễn biến CPI đã chuyển dịch theo hướng giảm tốc, mà chủ yếu là do sự ổn định của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bên cạnh sự giảm giá của giá dầu thô trên thị trường quốc tế, từ đó khiến cho nhóm giao thông - vốn là nhóm có quyền số cao nhất trong thành phần CPI giảm xuống.

Kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm 2019. Ảnh: Hải Anh


Cụ thể, nếu xét về các phân nhóm cấu thành CPI, giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống rất khó tăng, hoặc chỉ có thể tăng nhẹ. Lý do chủ yếu là Việt Nam đang triển khai phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên quy mô lớn và ngày càng ứng dụng tiến bộ, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; từ đó năng suất và sản lượng nông sản các loại đang, sẽ tăng khá mạnh trong năm 2019. Trong khi đó, các nhóm khác như nhà ở; vật liệu xây dựng; thuốc lá, bia rượu, nước giải khát... cũng khó tăng giá, bởi nguồn cung luôn ở mức dồi dào, lại đa dạng về chủng loại nên đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Trong chuỗi diễn biến về giá dầu thô trên thị trường thế giới, đến nay giá dầu vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm trong thời gian gần đây, từ hơn 70 USD/thùng xuống trên dưới 50 USD/thùng. Đây là thời cơ để liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh cho giảm giá xăng dầu liên tiếp trong các kỳ điều chỉnh cuối năm 2018. Xu thế này vẫn đang tiếp diễn sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá nhiên liệu nói chung, từ đó khống chế mức tăng giá của nhóm giao thông - vốn là tác nhân, yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quyết định mức tăng, hoặc giảm CPI mỗi tháng. Trong bối cảnh giá dầu đang neo ở mức thấp như nói trên sẽ là điều kiện tốt để hỗ trợ hoạt động kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, về chủ quan, cần làm chủ các tình huống để kiểm soát lạm phát trong năm 2019 cũng cần quan tâm một số vấn đề, để chủ động trong công tác điều hành. Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, chuyên viên Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), nên lưu ý giá hàng hóa trên thị trường thế giới năm nay có thể tăng và một vài vấn đề liên quan khác, từ đó bất lợi cho hoạt động kiểm soát lạm phát trong nước. Vì thế, cơ quan chức năng cần theo dõi sát các diễn biến trên thị trường, bảo đảm cung cầu và giảm thiểu chi phí đối với hoạt động sản xuất, phân phối hàng hóa.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, cần lưu ý và tăng cường quản lý giá cả thị trường, bảo đảm lưu thông thông suốt, giảm đến tối đa những chi phí trung gian, hoặc phát sinh bất hợp lý. Đặc biệt, nên chú ý điều hành tăng/giảm giá các loại dịch vụ cơ bản như điện, nước, giáo dục, y tế, thuốc chữa bệnh vào những thời điểm hợp lý. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động thanh - kiểm tra việc chấp hành, bảo đảm trật tự trên thị trường; phòng chống gian lận thương mại, nhất là vào các dịp cuối năm, lễ, tết.

Sau cùng là chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi cũng như có phương án dự trữ, bình ổn giá nếu có những hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài, nhằm khống chế, giảm sự tăng giá...

Nhìn chung, các cơ quan chức năng đều có nhận định, nếu không có gì biến động đột xuất, CPI năm 2019 sẽ được không chế ở mức dưới 4%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.