Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động giải pháp với thông tin xấu, độc (Tiếp theo số báo ra ngày 11-7 và hết)

Võ Lâm| 12/07/2017 06:55

(HNM) - Bộ Thông tin - Truyền thông đã và đang tập trung đối phó với thông tin xấu, độc trên mạng internet, từng bước hình thành cơ chế yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài xóa bỏ thông tin dạng này. Còn các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm gì để có giải pháp “miễn nhiễm” với thông tin xấu, độc cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng cán bộ, đảng viên?

Những cách làm hiệu quả

Thời gian gần đây, vụ việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và vụ việc lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành cái cớ để các thế lực thù địch tạo ra hàng loạt thông tin xấu, độc nhằm xuyên tạc, kích động gây rối trật tự công cộng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức Đảng tuyên truyền định hướng thông tin.

Hội nghị báo cáo viên là nơi định hướng tư tưởng, cung cấp tài liệu để đảng viên tiếp tục tuyên truyền đến cơ sở.



Tại quận Nam Từ Liêm, Ban Tuyên giáo Quận ủy tham mưu có tài liệu chương trình riêng, vừa cung cấp thông tin chính thống để định hướng trên bản tin nội bộ, vừa hướng dẫn các chi bộ sinh hoạt tư tưởng. Thông qua việc cung cấp tài liệu đã giúp cán bộ, đảng viên hiểu đúng, hiểu rõ sự thật; làm rõ âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, làm rõ bộ mặt thật của những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước. “Bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ, chúng tôi tin rằng bản thân mỗi đảng viên sẽ tự miễn nhiễm, tự nhận thức bản chất thật sự của các trang thông tin phản động” - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Nam Từ Liêm Đỗ Khắc Đạo nói.

Cũng theo Ban Tuyên giáo Quận ủy Nam Từ Liêm, nhằm đối phó chủ động với thông tin xấu, độc, quận đã tổ chức định hướng thông tin tư tưởng qua hai kênh. Thứ nhất là tổ chức hội nghị báo cáo viên hằng tháng, cung cấp những thông tin có tính chất chuyên đề để phổ biến tới toàn bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của quận, các bí thư chi bộ của 10 phường. Thứ hai, từ tháng 6 vừa qua, quận đã “phủ sóng” bản tin nội bộ đến toàn thể đảng viên trong Đảng bộ, cơ bản mỗi đảng viên định kỳ được cung cấp một cuốn. Đây được coi là "vũ khí" để đấu tranh với thông tin xấu, độc.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội thiết lập mạng lưới các nhân tố tích cực tuyên truyền trên mạng internet. Nòng cốt tham gia là các đảng viên trẻ, những quần chúng ưu tú đang phấn đấu vào Đảng, các sinh viên giỏi, nhiệt tình. Thông qua hoạt động cụ thể, mạng lưới này sẽ phát hiện và chủ động cảnh báo các thông tin xấu, độc để bạn bè biết phòng tránh.

“Chúng tôi đã thực hiện mô hình này được hơn 2 năm, kết quả hoạt động khá tốt” - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Vũ Tuấn Dũng cho biết. Đảng ủy Khối cũng rất coi trọng công tác nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những biểu hiện sai lệch của học sinh, sinh viên, giảng viên để chấn chỉnh. “Có dấu hiệu vi phạm là chúng tôi giám sát, kiểm tra ngay. Vi phạm nặng đến mức phải kỷ luật thì thực hiện kỷ luật. Vi phạm nhẹ, thì chúng tôi không đưa vào quy hoạch hay bổ nhiệm. Chúng ta phải xử lý rất nghiêm, không có chuyện thỏa hiệp với vi phạm” - đồng chí Vũ Tuấn Dũng nhấn mạnh.

Không để trống "trận địa"


Để trang bị giải pháp “miễn dịch” thông tin xấu, độc cho cán bộ, đảng viên, việc nắm bắt thông tin rất quan trọng. Tại nhiều đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Hà Nội, cấp ủy yêu cầu các tổ chức Đảng trực thuộc, MTTQ và các đoàn thể nhân dân định kỳ hằng tháng phải báo cáo tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân. Trên cơ sở phân tích, xác định vấn đề nổi cộm được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm từ đó tổ chức cung cấp thông tin định hướng phù hợp như mời báo cáo viên, xây dựng các nội dung chuyên đề… Đây chính là tinh thần “công tác tư tưởng phải chủ động đi trước một bước”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Phương Kiến Quốc, để đối phó hiệu quả với thông tin xấu, độc, điều quan trọng là không được để trống "trận địa" tư tưởng, cần đẩy nhanh tốc độ cung cấp thông tin. Hiện nay, có những sự kiện, sự việc thông tin chính thống còn chậm. Đây là cơ hội để những đối tượng phản động, thù địch tìm cách "chen chân". “Các đối tượng phản động chỉ chờ cơ hội là đưa thông tin xấu, độc. Trong khi để thông tin về một vụ việc nhạy cảm, chúng ta có khi phải mất vài ngày, thậm chí là cả tuần” - ông Phương Kiến Quốc nói.

Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy còn cho rằng, muốn "chống" thì phải "xây" và "xây để chống". Đó là các cấp ủy, tổ chức Đảng phải duy trì sinh hoạt, hội họp thường xuyên, quan tâm hơn đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Giải pháp tốt nhất là quản lý đảng viên ngay từ chi bộ.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Chống thông tin xấu độc, Đảng phải tự làm trong sạch mình. Trước sự xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng do các thế lực thù địch đang tiến hành thì việc thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, để xứng đáng với dân, với nước, để chính đáng và chính danh trong lãnh đạo, cầm quyền là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng”. Điều này cho thấy, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là giải pháp căn bản để cán bộ, đảng viên “miễn nhiễm” với thông tin xấu, độc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động giải pháp với thông tin xấu, độc (Tiếp theo số báo ra ngày 11-7 và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.