Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đón bắt thời cơ

Thiện Mỹ| 22/06/2020 06:20

(HNM) - Thời gian qua, dịch Covid-19 như lực cản, chặn đà phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Song, với vai trò thiết yếu, nông sản nước ta dù gặp không ít khó khăn vẫn khẳng định được ưu thế, tạo dấu ấn mới trong xuất khẩu. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế ở nhiều quốc gia, nông sản Việt Nam vẫn lách qua những “cánh cửa hẹp” để tìm thị trường xuất khẩu. Những mặt hàng thế mạnh như: Gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản, trái cây... tiếp tục tìm được chỗ đứng tại các thị trường lớn, khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Australia... khi được người tiêu dùng đón nhận nhờ chất lượng, mẫu mã bảo đảm yêu cầu.

Cùng với đà phát triển đó, nông nghiệp Việt Nam còn nỗ lực củng cố nền móng trước thời cơ “vàng” của cánh cửa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang rộng mở. Hiệp định thương mại xuyên biên giới này sẽ có hiệu lực ngày 1-8-2020, dự báo thị trường nông sản xuất khẩu nước ta có những bước tiến lớn khi các hoạt động kinh tế của EU bình thường trở lại.

Để chủ động đón bắt và tận dụng tốt thời cơ này, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Chỉ thị tập trung vào giải pháp vừa phát triển trước mắt, vừa lâu dài liên quan đến lĩnh vực chế biến nông sản; chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.

Thời cơ xuất khẩu nông sản với nước ta đang rất lớn và làm cách nào để khai thác được thời cơ này là đòi hỏi cấp thiết đặt ra. Vì thế, các bộ, ngành cần tập trung xác định thị trường xuất khẩu trọng điểm, dự báo nhu cầu tiêu thụ nông sản để có kế hoạch, định hướng phát triển, sản xuất phục vụ mục đích xuất khẩu. Trong đó, nông nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ những mặt hàng thế mạnh để mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, khẳng định chỗ đứng trên thương trường quốc tế.

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn "chặn" dòng giao thương giữa các quốc gia thì bảo đảm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản là việc làm quan trọng của các cấp, ngành. Song hành với đó là hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ những dự án chế biến nông sản; tăng công suất các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ngành Nông nghiệp, các địa phương tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển kênh thương mại điện tử. Tập trung ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Cùng với đó là triển khai hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; trong đó ưu tiên những sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp, người dân hiểu, chủ động đón bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết.

Bên cạnh sự định hướng, mở lối từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, mỗi địa phương, doanh nghiệp, hộ nông dân cần ý thức về trách nhiệm, chủ động trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nếu chủ động đón bắt tốt thời cơ, nông sản Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế của mình, ghi được dấu ấn với thị trường thế giới. Từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đón bắt thời cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.