(HNM) - Những ngày qua, thời tiết có phần cực đoan khi không ít thời điểm nhiệt độ lên đến 40 độ C. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế và phát sinh dịch bệnh, nông dân ngoại thành Hà Nội đã gồng mình chống chọi với nắng nóng cho gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Người chăn nuôi ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) kiểm tra nhiệt độ trong trại gà. Ảnh: Thái Hiền |
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, gia đình bà Đặng Thị Lan, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã chủ động thực hiện các biện pháp chống nắng nóng cho 0,7ha nuôi trồng thủy sản bằng cách dùng bè chuối quây ở góc ao, thả bèo tây kín mặt nước làm chỗ trú nắng cho cá. Cuối buổi chiều hằng ngày, khi thời tiết dịu mát, gia đình mới cho cá ăn và tăng cường thêm thức ăn thô như cây chuối tươi thái nhỏ, cỏ tươi. Vì vậy, đợt nắng nóng vừa qua, toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình bà Lan không bị ảnh hưởng.
Nhận định thời tiết nắng nóng năm nay diễn biến vẫn phức tạp và khó lường, có thể làm giảm sức đề kháng của thủy sản, gây thiệt hại lớn về kinh tế, các hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũng áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Chi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, do chủ động thực hiện các biện pháp chống nắng nóng nên đến nay toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện không bị thiệt hại. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản bảo đảm mật độ hợp lý, thường xuyên kiểm tra ao nuôi, có biện pháp xử lý kịp thời khi cá có dấu hiệu thiếu ô xy, tảo nở hoa trên mặt ao...
Tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất..., được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, người dân đã thực hiện các biện pháp chống nắng nóng khá hiệu quả cho đàn vật nuôi. Ví như ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), các hộ chăn nuôi bò sữa đã lắp đặt hệ thống phun sương tự động, sử dụng rơm tươi rải một lớp trên mái che chuồng trại. Ngoài ra, những ngày có nền nhiệt từ 37 đến 40 độ C, vào 10h và 14h hằng ngày, người dân còn bơm nước lên mái chuồng trại để hạ nhiệt và không chăn thả gia súc, gia cầm, trong thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao...
Đối với chăn nuôi công nghiệp, quy mô khép kín như trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Lâm và nhiều hộ gia đình ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đã đầu tư hệ thống làm mát gồm điều hòa, quạt thông gió và mua thêm máy phát điện dự phòng. Anh Lâm cho biết: "Ngoài thực hiện các biện pháp chống nắng nóng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, gia đình tôi còn dùng chế phẩm sinh học xử lý chuồng nuôi, cho đàn gà ăn vào lúc sáng sớm hoặc ban đêm và trong khẩu phần ăn thường xuyên bổ sung các vitamin, chất điện giải, canxi… để tăng sức đề kháng".
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, TP Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với 28 triệu con gia cầm, thủy cầm, 1,65 triệu con lợn, 170 nghìn con trâu, bò, cùng với đó là hàng nghìn héc ta nuôi trồng thủy sản. Để chủ động bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện tốt biện pháp phòng, chống nắng nóng; đồng thời, phân công cán bộ thú y xuống cơ sở để trực tiếp hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật... Chi cục Thú y Hà Nội cũng duy trì chế độ báo cáo hằng ngày để kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc phân công cán bộ và Ban Chăn nuôi thú y thủy sản bám sát cơ sở để kiểm soát, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan diện rộng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.