(HNM) - Tết vừa đi qua cùng với một
Đến cuối năm 2009, kinh tế nước ta đã có bước phát triển ngoạn mục, với sự điều hành tốt của Chính phủ, chúng ta đã cơ bản thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu, và dự kiến năm 2010 sẽ hồi phục và tăng trưởng mạnh, với mức tăng 6,5%. Nhưng trước những diễn biến của thị trường trong nước như hiện nay, thì có lẽ chúng ta nên đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu và phải chú ý đề phòng lạm phát có thể quay trở lại. Khi một loạt mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, than... tăng giá, cộng hưởng với thị trường tiền tệ tăng trưởng ở mức cao, chắc chắn sẽ gây sức ép không nhỏ đến chỉ số giá CPI.
Qua 2 tháng đầu năm, với mức tăng mạnh CPI thì để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức dưới 7% là một thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi nỗ lực cao trong việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa và ổn định được giá cả. Tất nhiên, nếu không có những giải pháp bình ổn giá của Chính phủ, các doanh nghiệp, địa phương trong thời gian qua thì giá cả thị trường có thể còn cao hơn. Và hiện tại cũng có những yếu tố làm giảm xu hướng tiêu cực của thị trường, là kết quả từ gói kích cầu của Chính phủ thông qua các chính sách tài chính, tiền tệ như giãn, hoãn, giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ lãi suất... đã góp phần tích cực giúp phục hồi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, bình ổn giá hàng hóa dịch vụ. Bên cạnh đó, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững là yếu tố quyết định để bình ổn thị trường.
Thực tế mức tăng CPI của tháng 1-2010 đến 1,36% so với tháng 12-2009 là con số gây áp lực rất lớn cho quản lý vĩ mô, nhất là khi mục tiêu giữ CPI năm 2010 chỉ tăng ở mức 7% như nghị quyết của Quốc hội đã giao. Ngoài ra, trên thị trường thế giới, giá cả nhiều hàng hóa chủ yếu đang gia tăng trở lại, sức ép lạm phát cũng tăng theo. Các thể chế tài chính nước ngoài như Ngân hàng HSBC hay Standard Chartered cùng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2010 sẽ dao động khoảng trên dưới 9% và lãi suất cơ bản sẽ là trên 10%, đồng thời cho rằng, áp lực lạm phát sẽ trở thành vấn đề ngày một lớn khi giá dầu và thực phẩm tăng cao.
Rõ ràng, hơn lúc nào hết, cần giám sát chặt chẽ tình hình lạm phát. Trước mắt, để đối phó với nguy cơ lạm phát, bên cạnh hàng loạt giải pháp như chống nhập siêu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa, bình ổn giá cả thị trường... cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế và không nên đầu tư dàn trải, và cần điều chỉnh lại cả mô hình tăng trưởng. Một trong những đòi hỏi cấp thiết để bình ổn giá là việc kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là giám sát các doanh nghiệp được ưu đãi vốn phải thực hiện nghiêm túc các cam kết. Đặc biệt, trọng tâm trong ngắn hạn là ổn định chính sách tài khóa và giảm mức độ thâm hụt ngân sách, áp dụng linh hoạt cơ chế lãi suất theo cơ chế thị trường. Lúc này, bình ổn giá phải được coi trọng hàng đầu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.