(HNM) - Trạm y tế (TYT) xã, phường với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện và hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành gia đình (BHGĐ) tại cộng đồng.
Nơi nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ
Trước đây, nạn nhân BHGĐ đến TYT thường chỉ được cán bộ y tế chăm sóc vết thương, khám và điều trị. Nhưng các thương tích ấy vì sao mà có thì ít được thầy thuốc quan tâm. Có nhiều lý do: cán bộ y tế chưa có kiến thức và kỹ năng hỗ trợ nạn nhân; coi đó là việc riêng của mỗi gia đình; sợ làm tổn thương đến nạn nhân; lo ngại người bị bạo hành lại tiếp tục bị đánh nếu dám thổ lộ với người khác. Từ khi tham gia dự án "Cải thiện, chăm sóc y tế cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới", các cán bộ y tế của TYT đã được tập huấn về sàng lọc đáp ứng y tế cho nạn nhân, các kỹ năng tư vấn cho phụ nữ bị bạo hành, vì thế họ đã biết cách xử lý những trường hợp BHGĐ tại địa phương và có thể chuyển tuyến khi cần thiết. Giữa TYT của 2 phường và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã có sự phối hợp chặt chẽ. Sau khi được chuyển đến bệnh viện khám, điều trị, tư vấn, nạn nhân được trở lại TYT để theo dõi, trợ giúp tại cộng đồng.
Tư vấn về DS, SKSS và phòng chống bạo lực gia đình tại trạm y tế xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bảo Lâm |
TYT phường còn xây dựng lịch sinh hoạt vào ngày 28 hằng tháng để sinh hoạt câu lạc bộ và tư vấn cho các nạn nhân. Họ đến đây để không chỉ được chăm sóc y tế mà còn được tư vấn và cung cấp kiến thức phòng chống bạo hành. Chị Ph, một nạn nhân BHGĐ ở phường Long Biên được TYT giúp đỡ thành công là trường hợp điển hình. Mới 26 tuổi, xây dựng gia đình được 3 năm, có một con gái nhưng chị thường xuyên bị chồng đánh đập. Một lần, chị được một cán bộ dân phòng đưa đến TYT. Dù đêm khuya, các cán bộ y tế của phường đã sơ cứu, giúp chị ngủ ở TYT và hôm sau chuyển về Bệnh viện Đức Giang điều trị. Là người tỉnh khác lấy chồng ở Hà Nội, không có người thân, được cán bộ ở TYT động viên, giúp đỡ, chị chỉ biết khóc. Được cán bộ TYT chăm sóc y tế, tư vấn về các nội dung liên quan đến bạo hành giới, quyền của người phụ nữ, chị Ph đã biết cách phòng tránh cơn bạo hành của chồng. Chồng chị cũng được cán bộ TYT, hội phụ nữ và tổ dân phố gặp phân tích, răn đe và cảnh báo về các hậu quả của việc bạo hành đối với cuộc sống gia đình. Người chồng dần hiểu ra và gia đình chị đã ổn định.
Đầu mối phối hợp các ban, ngành
Đánh giá về kết quả của dự án, bà Đặng Thị Thanh Hồng, Trạm trưởng TYT phường Long Biên cho biết: "Từ khi dự án được triển khai, TYT đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống BHGĐ của phường đồng thời giúp người dân hiểu biết rõ về pháp luật, về quyền bình đẳng và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nhờ đó, số vụ BHGĐ ở phường giảm đi rõ rệt. Cụ thể, nếu năm 2010 ở phường có 26 vụ, trong đó can thiệp thành công 21 vụ thì năm 2011, chỉ còn 16 vụ với số can thiệp thành công là 14.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, TYT là đầu mối lý tưởng để phối hợp với các ban, ngành nhằm xây dựng và triển khai mạng lưới phòng chống BHGĐ. Với vai trò thường trực, TYT phối hợp với chính quyền và các ban, ngành xây dựng mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng. Nếu trước kia cán bộ địa phương thường thụ động chờ đơn thư tố giác của nạn nhân mới bắt đầu tiếp cận, tìm hiểu tình hình, thì nay nhờ sự phối hợp này, họ đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là cán bộ y tế để nắm bắt chặt chẽ tình hình trong địa bàn tổ dân cư và can thiệp hỗ trợ nạn nhân. Một cán bộ phường Long Biên cho biết: "Mỗi tình nguyện viên phụ trách một địa bàn nhỏ, khoảng 20-30 gia đình nên xảy ra xô xát là các lực lượng kịp thời có mặt hòa giải, tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ người bị hại. Để phát hiện các trường hợp có nguy cơ bị bạo hành, mạng lưới này điều tra, lập danh sách các gia đình có "nguy cơ", sau đó phân tích nguyên nhân, can thiệp thông qua gặp gỡ, nói chuyện với các ông chồng, vận động các bà vợ tham gia câu lạc bộ vì hạnh phúc gia đình, giúp họ biết cách hạn chế, phòng ngừa bạo hành.
Hiệu quả thiết thực từ dự án cho thấy, mô hình này cần được nhân rộng trên toàn thành phố.
Thống kê của Trung tâm Tư vấn sức khỏe đặt tại Bệnh viện Đức Giang cho thấy, 30% nạn nhân của BHGĐ bị chấn thương đầu cổ, 10% chấn thương xương sườn, còn lại là đa chấn thương. 100% nạn nhân bị tổn thương về tinh thần. Đáng lo ngại hơn, những đứa trẻ sống trong các gia đình có bạo lực thường cam chịu, lì lợm, thậm chí trầm cảm, học hành kém và hầu như không được giải thích, phân tích cặn kẽ rằng hành động bạo lực là xấu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.