Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chốt” an toàn của nền kinh tế

Hương Ly| 17/05/2012 06:28

(HNM) - Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến cuối năm 2010, tổng nợ công toàn cầu tương đương khoảng 70% GDP. Tại các quốc gia đang phát triển, nợ công chiếm khoảng 37% GDP, còn tại những nước phát triển, nợ công chiếm tới gần 100% GDP.

Giám sát và quản lý chặt chẽ nợ công nhằm bảo đảm khả năng thanh toán và sự an toàn cho nền kinh tế là mong muốn của các quốc gia trên thế giới. Đây là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị quốc tế về quản lý nợ công do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16-5, tại Hà Nội.

Ám ảnh nguy cơ vỡ nợ

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, nợ công (public debt) hay còn gọi là nợ chính phủ hoặc nợ quốc gia là toàn bộ khoản vay nợ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương tại một thời điểm nào đó. Thông thường, nợ công là hệ quả trực tiếp của thâm hụt ngân sách. Để bù đắp thâm hụt, chính phủ các quốc gia phải đi vay trong và ngoài nước chứ không phát hành tiền để tránh nguy cơ xảy ra lạm phát cao. Tại một số quốc gia đang phát triển, nợ công tăng cao còn do chính phủ vay nợ để tài trợ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Giám sát và quản lý chặt các dự án sử dụng vốn vay là biện pháp bảo đảm khả năng thanh toán. Ảnh: Lê Tuấn

Căn cứ vào dữ liệu từ Hãng định mức tín nhiệm Moody's, Tạp chí The Wall Street Journal cho biết, tính đến cuối năm 2011, 10 quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất thế giới, gồm Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất: 233,1%, tổng nợ chính phủ: 13,7 nghìn tỷ USD. Hy Lạp chỉ đứng thứ 2 với tỷ lệ nợ công/GDP: 168,2%, tổng nợ chính phủ: 489 tỷ USD…

So với mức độ nợ công chung của các nước mới nổi và đang phát triển, nợ công của Việt Nam có xu hướng gia tăng do thâm hụt ngân sách và Chính phủ vay nợ để đầu tư. Nếu tính thêm cả phần Chính phủ vay về cho vay lại thì tổng nợ của Chính phủ (số phát hành) 5 năm 2006-2010 lên tới 506.776 tỷ VND, tương đương 26% GDP năm 2010, trong đó nợ nước ngoài chiếm 39,6%, tương đương 10,3% GDP năm 2010. Số liệu công bố mới nhất của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2011, nợ công chiếm 54,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,6% GDP, còn nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP (tương đương 50 tỷ USD), dự kiến đến ngày 31-12-2012, nợ công khoảng 58,4% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 46,1% GDP. Một số ý kiến cho rằng nợ công của Việt Nam đang khá cao so với các nước trong khu vực như Thái Lan, nợ công là 44% GDP, Indonesia: 39,7% GDP và Philippines: 47,3% GDP.

Nên bình tĩnh trước "sóng gió"

Đó là khẳng định của các chuyên gia tài chính trong việc đối phó với tốc độ gia tăng của nợ công tại các quốc gia. Ông Sudarshan Gooptu, Giám đốc Ban Chính sách kinh tế và quản lý nợ (Ngân hàng thế giới) cho rằng, các quốc gia cần chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn sẽ đến với chính phủ khi điều kiện về tài chính giảm sút. Cùng với đó, các quốc gia nên sử dụng công cụ kỹ thuật về tài chính để kiểm soát nợ công hiệu quả hơn. Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, việc bảo đảm tính minh bạch và kỷ luật ngân sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát nợ công. Việc lập một quỹ dự trữ để tạo tính minh bạch cho các khoản chi ngân sách cũng là một trong những việc cần thiết nhằm thiết lập tính minh bạch và kỷ luật ngân sách…

Về phía Việt Nam, việc quản lý nợ công cũng có những đặc thù riêng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, cơ cấu nợ công của Việt Nam không giống như các nước khác. Nợ vay ODA của Việt Nam chiếm tới 75%, còn vay thương mại chỉ 7% và vay ưu đãi chiếm 19%. Trong nợ Chính phủ, nợ nước ngoài chiếm 58% và nợ trong nước là 42%. Dự báo của IMF cũng cho thấy đến năm 2015, nợ công của Việt Nam sẽ tăng từ 53,3 tỷ USD năm 2010 lên 86,2 tỷ USD và nợ nước ngoài cũng tăng tương ứng từ 41,7 tỷ USD lên 73,8 tỷ USD. Các chuyên gia tài chính cho rằng, dù nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng về lâu dài cần có những đánh giá sâu hơn về các chỉ tiêu, như rủi ro kỳ hạn, rủi ro tỷ giá hối đoái, rủi ro đồng tiền thanh toán và nhất là rủi ro thanh khoản… Một khi nợ công được kiểm soát chặt chẽ, kinh tế vĩ mô sẽ được giữ ổn định, tạo thuận lợi cho Chính phủ thực hiện chính sách an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chốt” an toàn của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.