Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống tham nhũng trong khu vực công: Kết quả chưa như mong đợi

Phong Thu| 05/05/2015 06:27

(HNM) - Hiện tượng nhũng nhiễu đòi hối lộ của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn diễn ra, song cả chính quyền và người dân chưa thể hiện quyết tâm cao trong đẩy lùi.

Phổ biến tệ "lót tay"

Chỉ số PAPI được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011, do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức. Năm 2014, PAPI được khảo sát dựa trên trải nghiệm của 13.552 người dân được chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng lưu ý là kết quả PAPI liên tục trong 4 năm đều cho thấy mức độ phổ biến việc đưa "lót tay" và dựa vào mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền khi xin việc vào cơ quan nhà nước.

Việc giải quyết tệ hối lộ ở trường tiểu học vẫn là một thách thức trong thời gian tới là khuyến cáo của nhóm điều tra về PAPI 2014.


Theo khảo sát, ở hầu hết các địa phương, để được vào làm ở các vị trí như: Công chức địa chính, công chức tư pháp xã, công an xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng cấp xã thì "thân quen" là yếu tố quan trọng. Điển hình là ở Hà Giang, vị trí công việc nào cũng cần đến quan hệ cá nhân. Các tỉnh: Thái Bình, Quảng Trị, Bình Dương được đánh giá là có mức độ bình đẳng cao hơn trong việc tạo ra các cơ hội việc làm so với các địa phương khác. Tuy nhiên, mức điểm 3 tỉnh này đạt được cũng còn khoảng cách lớn so với mức điểm hoàn hảo (quan hệ thân quen không quan trọng chút nào khi xin việc).

Chỉ số PAPI được đo lường ở 6 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.

Theo khảo sát của PAPI 2014, cảm nhận tích cực của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế công và giáo dục công cũng cho thấy kết quả không khả quan. Đặc biệt là khi khảo sát cụ thể hai chỉ tiêu: "Không phải chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám bệnh" và "Phụ huynh học sinh tiểu học không phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn" thì địa phương nào cũng đạt điểm thấp. Bình Dương đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu "Không phải hối lộ khi đi khám, chữa ở bệnh viện tuyến quận, tuyến huyện" nhưng cũng chỉ có 74,86% người đồng ý với nhận định này. Tình trạng chi "bồi dưỡng giáo viên" ở trường tiểu học công lập cũng ở mức phổ biến. Điều này cho thấy việc giải quyết tệ hối lộ ở bệnh viện và trường học vẫn còn là thách thức lớn trong thời gian tới.

Khả năng chịu đựng sự "vòi vĩnh" ngày càng "giỏi"

Có điều đáng lo ngại là sự chịu đựng của người dân đang tỷ lệ thuận với nạn tham nhũng. PAPI 2014 chỉ ra rằng, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (2,96%) số người đã từng bị cán bộ, công chức (CBCC) vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo. Đáng chú ý là khả năng chịu đựng của người dân trước vấn nạn này được "nâng lên" theo thời gian. Nếu như năm 2011, người dân bắt đầu tố cáo khi bị cán bộ UBND xã, phường hoặc công an xã, phường đòi hối lộ từ 5,52 triệu đồng thì năm 2014 là 8,89 triệu đồng. Thậm chí ở tỉnh Lào Cai, người dân cho biết chỉ tố cáo khi chính quyền cơ sở "gợi ý hỗ trợ" 16,82 triệu đồng.

Trong khi đó, theo Điều 279 của Bộ luật Hình sự thì nhận hối lộ ở mức từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sở dĩ, người dân chịu đựng, "sống chung" với tham nhũng chứ không tố cáo các hành vi nhũng nhiễu của CBCC bởi cho rằng: Tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì; sợ bị trù úm, trả thù; ngại thủ tục rườm rà hoặc không biết tố cáo thế nào. Bên cạnh đó, trên phạm vi toàn quốc, chỉ có 39,74% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương. Điều đó cho thấy, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh đến nay chưa đem lại nhiều kết quả.

Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã triển khai hơn 15 năm qua, chỉ tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC năm nào cũng được đặt ra nhưng xem ra kết quả không như mong đợi. Tại TP Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, lãnh đạo thành phố đã nhìn nhận rõ những bất cập còn tồn tại trong công tác CCHC và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC. Do đó, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCC". Dù đã đạt được những hiệu quả khá tích cực, song vẫn có lúc, có nơi CBCC chưa làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm thấp ở chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tham nhũng trong khu vực công: Kết quả chưa như mong đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.