Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống rét tại bệnh viện

Thu Trang| 12/01/2018 06:50

(HNM) - Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vào sáng 11-1, trong tiết trời giá lạnh, lượng người ra, vào thưa thớt, giảm mạnh so với bình thường.

Tăng cường thiết bị sưởi ấm tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.


Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai không còn cảnh đông đúc mọi ngày. TS Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh cho biết, bệnh viện đã tăng cường gần 30 máy sưởi cho khu vực lấy máu xét nghiệm, siêu âm, điện tim… Thiết bị sưởi ấm giúp bệnh nhân không bị lạnh khi phải bỏ bớt quần áo hoặc để hở một phần cơ thể để khám bệnh. Nếu như vào thời điểm bình thường, khoa tiếp nhận khoảng 3.000-3.500 bệnh nhân/ ngày thì trong ba ngày vừa qua, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 2.500-3.000 bệnh nhân. Người đến khám chủ yếu mắc bệnh nặng hoặc bệnh mạn tính, đã có lịch hẹn.

Trái ngược với hình ảnh ấm áp trong phòng bệnh, dưới cái lạnh cắt da, người nhà bệnh nhân nằm, ngồi co ro, vạ vật dưới gốc cây, ghế đá ở sân Bệnh viện Bạch Mai. Họ mang theo chiếu, chăn ấm để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Bác Nguyễn Đình Minh (66 tuổi, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: “Ba ngày qua, tôi vào viện để chăm sóc bố đẻ đang nằm điều trị tại Khoa Ngoại. Bị bệnh đã khổ, giờ lại còn rét buốt như thế này, không chỉ bệnh nhân mà cả người nhà cũng khổ thêm. Chúng tôi phải mặc thật ấm, khi ngồi ở ghế đá phải quấn chăn để tránh rét”…

Có người đi theo để chăm sóc người thân nhưng chính họ đã phải nhập viện. Đơn cử, bà Đỗ Thị Ngọc Bảo (76 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào chăm sóc chồng đang điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Hữu nghị) được 2 ngày thì cũng đổ bệnh, do bị nhiễm lạnh khiến huyết áp tăng đột ngột. Hiện tại, bà và chồng là ông Nguyễn Văn Nghệ (83 tuổi) cùng nằm điều trị tại một phòng bệnh.

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương), nơi có gần 30 giường bệnh luôn kín chỗ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết, trong những ngày rét đậm, rét hại, khoa đã bố trí thêm trang thiết bị làm ấm cho bệnh nhân như quạt sưởi, đèn sưởi, chăn ấm... “Trong các phòng bệnh đều rất ấm. Cửa kính nứt, vỡ… đã được thay thế để tránh gió lùa. Bệnh nhân được giữ ấm, chỉ những người thăm nuôi là khổ nhất. Trong đợt rét này, số bệnh nhân liên quan đến huyết áp, tim mạch… tăng do nhiều người chủ quan”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

TS Dương Quốc Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: Người nhà bệnh nhân cần mặc ấm để tránh bị lạnh. Khi ngồi chờ người nhà khám bệnh thì nên chọn những nơi kín gió. Khi di chuyển giữa các khu khám bệnh hay ra ngoài tòa nhà thì phải hết sức tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Sự thay đổi nhiệt đột ngột là nguyên nhân gây nhiều bệnh, trong đó có tai biến, đột quỵ.

Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong những đợt giá rét, ngành Y tế sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân. Ngoài việc sẵn sàng đủ cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, bảo đảm thiết bị giữ ấm cho người bệnh nội trú, các bệnh viện nên thiết lập các khu vực chờ kín gió cho người nhà bệnh nhân cũng như người bệnh đến khám ngoại trú.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống rét tại bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.