(HNMO) - Sáng 26-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không nên chỉ dừng lại ở những con số trong báo cáo tài chính, mà cần nâng cao nhận thức để việc này trở thành lối sống, thói quen hằng ngày của mỗi người dân.
Làm rõ những hạn chế để khắc phục
Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu cho rằng, trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đại biểu cho rằng, 2019 là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế nước ta tăng trưởng hơn 7%, nhờ đó đã bảo đảm được những cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát được lạm phát... “Đây là những thành tựu cần phát huy trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, để công tác đi vào chiều sâu thì cần tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm trong tiết kiệm, chống lãng phí. Thể chế chặt chẽ, khả thi hơn, phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch. “Tôi cho rằng, tiết kiệm thời gian là quan trọng nhất, bởi thời gian là vàng bạc”, đại biểu nói.
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm đề xuất Chính phủ xây dựng bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách trong thời gian tới.
Còn đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) cho rằng, định mức chi ngân sách giai đoạn 2016-2021 đối với các tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, quá trình thực hiện có điểm chưa phù hợp theo tiêu chí vùng, tiêu chí dân số; chưa bao quát được tiêu chí đặc thù khác như vùng cao, biên giới, dân tộc thiểu số, xã bản nghèo… “Khi xây dựng định mức chi ngân sách giai đoạn 2022-2025, tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung các yếu tố nêu trên", đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn Hưng Yên) thì vẫn còn một số tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đầu tư công với nhiều công trình chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện, gây lãng phí không nhỏ. Điều này đã gây lãng phí về tài chính, về cơ hội…
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu giao kế hoạch, thẩm định, quyết định đầu tư; nâng cao phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản, gắn giao quyền với chế độ chịu trách nhiệm.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, lãng phí trong đầu tư công gây bức xúc trong cử tri và nhân dân. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư xong không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp cũng gây lãng phí.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đầy đủ khi còn tập trung chủ yếu vào số liệu tài chính. "Không phải lúc nào chúng ta cũng đo đếm được lãng phí nếu không thực sự chú ý. Ví dụ như, việc bán nhà xây thô rồi bỏ hoang, hay việc mọi người đua nhau đi học văn bằng, chứng chỉ khi chưa cần thiết. Tôi nhận thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian, cơ hội, sức lực, trí tuệ, hay chủ trương, chính sách sai gây lãng phí rất nhiều nhưng lại không được đề cập", đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) băn khoăn, làm thế nào để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành lối sống, thói quen hằng ngày của mỗi người dân, đặc biệt là ý thức nêu gương của các cán bộ, đảng viên. "Nhiều người nghĩ rằng, chỉ tiết kiệm, chống lãng phí nguồn ngân sách nhà nước, còn các nguồn lực khác thì không quan tâm. Đây là nhận thức chưa đầy đủ, cần thay đổi để việc thực hành tiết kiệm trở thành việc làm thường xuyên", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ thêm tình hình và 2 hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta thời gian qua. Cụ thể, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, đến lãng phí đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Cần đánh giá thêm cơ cấu lãng phí trong từng lĩnh vực này để có những giải pháp đặc thù, phù hợp, đột phá đối với từng lĩnh vực.
Xử lý nghiêm các hành vi gây lãng phí
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tiết kiệm và chống lãng phí là một phạm trù rất lớn, kể cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất. Trong đó, lãng phí vật chất như sử dụng lãng phí về ngân sách, quỹ ngoài ngân sách, các nguồn lực nhà nước, các vấn đề liên quan đến công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu... Trong khi đó, lãng phí phi vật chất như là bỏ lỡ thời cơ hoặc các cam kết quốc tế hoặc trong sử dụng nguồn nhân lực, trong sử dụng người tài.
"Đây là vấn đề rất quan trọng, nên công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách, về quản lý nguồn lực luôn được chúng tôi nâng cao và quan tâm một cách sát sao. Năm 2020, cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện sai phạm 86.369 tỷ đồng và 6.036ha đất, thu hồi 23.843 tỷ đồng và 830ha đất, kiến nghị xử lý 5.536ha đất và xử lý 2.123 tập thể, 485 cá nhân… Đặc biệt, chúng tôi đã đôn đốc thực hiện vấn đề sau thanh tra, trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân và chuyển điều tra khởi tố 12 vụ sau khi thanh tra", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đối với thanh tra công tác thực hành tiết kiệm, riêng ngành Tài chính đã tổ chức thanh tra 6 tháng đầu năm 2021 là 32.000 cuộc và xử lý 23.000 tỷ đồng, cắt giảm tiết kiệm chi 55 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao. Ngành Tài chính và các bộ, ngành rất cố gắng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận tại hội trường đã có 14 đại biểu Quốc hội phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy thời gian ngắn nhưng các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường tập trung thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục việc chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao chất lượng báo cáo. Khắc phục tình trạng báo cáo có một số mặt còn chung chung, không cụ thể số liệu, không đánh giá, so sánh với số liệu chỉ tiêu đề ra năm trước và quyết định ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo Chính phủ chỉ rõ các bộ, địa phương chưa thực hiện tốt hoặc vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chấn chỉnh, xử lý, bổ sung các số liệu theo hồ sơ về thu hồi tài sản do tham nhũng, thất thoát và lãng phí.
"Thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng, do đó cần tiếp tục phải có những giải pháp đồng bộ, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. Sau thảo luận, Đoàn Chủ tịch xin đề nghị cho bổ sung những nội dung cơ bản để đưa vào nghị quyết của kỳ họp thứ nhất. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội, đưa nội dung giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giám sát tối cao năm 2022", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.