(HNM) - Một điểm mới tại Nghị quyết về ngân sách nhà nước mà Quốc hội vừa thông qua là khoán xe công. Thực tế, khoán xe công không phải chuyện mới, việc này đã được bàn thảo nhiều lần, có điều, đây là lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
Mặc dù mới dừng lại ở việc từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh..., nhưng cũng rất đáng được ghi nhận. Bởi lẽ việc sử dụng xe công ở Việt Nam có không ít vấn đề, trước hết là tư duy "tiêu tiền chùa, dùng đồ chùa", không ít người sử dụng xe công khá thoải mái cho đủ loại việc tư, đi đền, đi chùa, thậm chí đi... siêu thị, gây lãng phí ngân sách, trong khi thu không đủ chi, gánh nợ công đang đè xuống nền kinh tế.
Theo số liệu của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cả nước hiện có gần 40.000 xe ô tô công (chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước). Chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm và như vậy mỗi năm Nhà nước phải chi trả khoảng 13.000 tỷ đồng cho số lượng xe công này. Một con số rất đáng phải suy nghĩ. Thực tế đã nhiều lần dư luận lên tiếng về nạn sử dụng xe công, và chủ trương khoán xe công đã được đưa ra, đã có người thực hiện và có rất nhiều người không thực hiện. Vì sao có tình trạng như vậy? Bởi lẽ đơn giản việc khoán xe công trước đây chỉ dừng lại ở chủ trương, không mang tính bắt buộc, không có chế tài thực hiện... Do vậy, chủ trương vẫn chỉ là chủ trương, không thể triển khai trên thực tế.
Nhiều người cho rằng phải hiện thực hóa chủ trương khoán xe công thành những quy định cụ thể, bởi lẽ nếu chỉ kêu gọi sẽ không mấy ai thực hiện, nếu có thì người nọ cũng sẽ nhìn người kia. Xe công trong con mắt của nhiều người không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tấm áo hào nhoáng tượng trưng cho quyền lực nên không dễ từ bỏ và không muốn từ bỏ. Trước đây đã có vị xung phong đi làm bằng xe ôm nhưng cũng không được bao nhiêu ngày, không thể cứ một mình làm chuyện "khác người" như vậy. Do đó, để hiện thực hóa chủ trương khoán xe công, cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng, tiêu chuẩn đến đâu, áp dụng đến đó. Nếu có quy định, chế tài cụ thể, đương nhiên sẽ phải thực hiện và tất cả đều phải thực hiện.
Mặt khác, có thể thấy, hiện thực hóa chủ trương khoán xe công chỉ là một trong rất nhiều giải pháp cần được đưa ra để cơ cấu lại thu chi ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh chi thường xuyên đang gia tăng và nợ công đang tiến tới ngưỡng đáng lo ngại. Với các cơ quan nhà nước, việc bố trí các khoản chi một cách chặt chẽ cho hội nghị, hội thảo, các chuyến công tác nước ngoài... là hết sức cần thiết bên cạnh các giải pháp chống thất thoát. Và quan trọng hơn là những tính toán để mỗi đồng tiền ngân sách - tiền thuế của người dân mang lại hiệu quả cao nhất.
Thay vì hô hào, kêu gọi, cơ quan chức năng cần có những quy định và chế tài cụ thể, bởi lẽ chống thất thoát, lãng phí như thế nào phụ thuộc vào mỗi con người. Giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách hiệu quả là làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định chi tiêu và trách nhiệm của người gây ra tổn thất. Nếu gây thất thoát, lãng phí phải bồi thường thì chắc chắn tính hiệu quả sẽ được đặt lên hàng đầu, lãng phí sẽ bị đẩy lùi. Tóm lại, chống lãng phí, cơ cấu lại thu chi ngân sách là hàng loạt vấn đề, hàng loạt giải pháp chứ không chỉ chuyện khoán xe công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.