Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống dịch bằng… tinh thần ?

Nữ Quỳnh| 17/08/2010 06:33

(HNM) - Vào thời điểm dịch lợn tai xanh đang bùng phát dữ dội ở miền Nam, hội nghị


Diễn biến dịch lợn tai xanh tại các tỉnh phía Nam đang hết sức phức tạp, khả năng xuất hiện một đợt dịch mới là rất cao. Vấn đề là, như báo cáo tại hội nghị thì các địa phương đã làm đủ mọi cách phòng, chống nhưng dịch vẫn xảy ra. Thậm chí, một đại biểu tỉnh Khánh Hòa còn cho rằng: dịch chỉ trừ... huyện Trường Sa, tức là một nơi cách biệt đất liền. Nghiêm trọng hơn là thông tin tiêm phòng vaccine không mang lại hiệu quả như mong muốn, tốt lắm cũng chỉ ở mức giảm số lợn chết chứ không ngăn được lợn mắc bệnh. Thực tế, đến nay chưa có loại vaccine nào ngừa được bệnh tai xanh. Có nhiều loại vaccine đang phổ biến trên thị trường được người dân sử dụng nhưng lợn vẫn cứ mắc và chết. Còn ngay cả trên thế giới cũng khuyến cáo sử dụng vaccine tai xanh không mang lại hiệu quả.

Nhưng điều khiến dư luận quan tâm là chính Bộ trưởng Bộ NN & PTNT thừa nhận: Với công tác chống dịch lợn tai xanh hiện nay, gần như chúng ta đang sử dụng tay không. Chúng ta chỉ biết có hô hào, chỉ có một ít thuốc sát trùng với vôi bột.

Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân chủ quan khiến dịch bùng phát. Ví dụ, việc lơ là của chính quyền địa phương, khi phát hiện ra thì dịch đã vượt tầm kiểm soát. Rồi thực tế có tỉnh hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng cũng có nơi chỉ là 20.000 hay 18.000 đồng/kg, thậm chí 15.000 đồng/kg. Chẳng trách được người dân khi chính sách hỗ trợ không thống nhất dẫn tới tư thương và cả người dân chuyển lợn bệnh từ nơi hỗ trợ thấp đến nơi có hỗ trợ cao và việc "chạy lợn" đã khiến tình trạng dịch bệnh phức tạp và lan rộng. Và xét cho cùng thì chẳng phải đến bây giờ dịch mới phát triển. 4 năm trước dịch lợn tai xanh đã xuất hiện, nhưng cho đến nay từ cơ quan quản lý cấp trung ương đến các địa phương vẫn chưa đưa ra được biện pháp phòng, chống thực sự chủ động để chặn dịch từ gốc. Thường chỉ đến khi dịch đến rồi mới vội vã tổ chức "ra quân" dập dịch chung chung, thiếu biện pháp cụ thể nên hiệu quả không thể như mong muốn, thậm chí còn nhận hậu quả nặng nề.

Mỗi năm chúng ta phải chi hàng trăm tỷ đồng cho việc mua vaccine phòng, chống dịch bệnh, nhưng khi chính vaccine cũng không ngăn chặn được dịch bệnh thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về bộ chủ quản. Như trên vừa dẫn, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận sự bất lực trước dịch bệnh như vậy, thử hỏi người chăn nuôi biết trông vào đâu? Xem ra việc phòng, chống dịch theo kiểu hô hào phong trào, giải pháp "truyền thống" vẫn chỉ là tiêu hủy theo kiểu "giết nhầm hơn bỏ sót", trong lúc thiếu biện pháp cùng chính sách sát thực bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi đang khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Rõ ràng khi dịch còn đang hoành hành, sẵn sàng lan rộng như hiện nay thì việc xây dựng cơ chế, quy định chung trong phòng, chống dịch bệnh là điều cần thiết. Quan tâm đến chính sách hỗ trợ các hộ nuôi có lợn bị chết do dịch bệnh, làm sao bảo đảm thống nhất chặt chẽ, đúng, đủ và kịp thời là việc cần phải làm. Nhưng điều đặc biệt, mấu chốt phải tiến hành không chậm trễ là lập tức hội chẩn, nghiên cứu tìm ra phương thuốc hữu hiệu dập tắt dịch bệnh, cứu và khôi phục ngành chăn nuôi. Nói gì thì nói, chúng ta không thể cứ mãi chặn dịch theo kiểu hô hào… tinh thần là chính.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch bằng… tinh thần ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.