(HNM) - Thời gian gần đây, lợi dụng những khoảng trống trong chính sách thông thoáng của TP Hồ Chí Minh, nhiều đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đã ngang nhiên hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tình hình trên đòi hỏi công tác quản lý phải chủ động, nhạy bén, linh hoạt nhằm lấp ngay
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 389), số vụ vi phạm về lĩnh vực này trong 6 tháng đầu năm 2016 là 13.868 vụ, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Số vụ vi phạm hành chính tăng kéo theo tổng số tiền thu nộp ngân sách cũng tăng 64%.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng lậu, hàng giả. |
Con số trên cho thấy sự gia tăng rõ rệt những vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố. Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do các doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để lách luật. Nhiều đối tượng gian lận đã khai báo hải quan lô hàng không đúng với thực tế hoặc mở tờ khai theo loại hình quá cảnh để tránh giấy phép kiểm tra chuyên ngành.
Trong khi các doanh nghiệp "năng động" để lách luật thu lợi bất chính thì các cơ quan quản lý nhà nước lại thụ động trong xử lý vi phạm. Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác nắm thông tin chưa tốt dẫn đến tình trạng nhầm lô hàng; việc phối hợp giữa doanh nghiệp vận tải với các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ cũng dẫn đến hoạt động kiểm soát chưa đồng bộ, gây khó cho công tác quản lý.
Trong khi đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, một số thay đổi tố tụng về vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khiến các cơ quan tố tụng có dấu hiệu chùn tay vì “sợ”, nhất là sau khi xảy ra một số vụ án oan sai trong thời gian gần đây. Về vấn đề cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, đối với các tang vật, phương tiện vi phạm là hóa chất nguy hiểm, độc hại phải bảo đảm điều kiện lưu giữ, tuy nhiên tại TP Hồ Chí Minh lại chưa có kho loại này.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết, kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng là chính từ bộ máy quản lý. Những đối tượng gian lận, buôn lậu thường theo dõi các cơ quan chức năng, lợi dụng những tiêu cực trong nội bộ để thực hiện hành vi vi phạm. “Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực tạo sự thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp về mặt thủ tục, nên các cơ quan quản lý cũng phải xây dựng cơ chế để thực hiện hết sức công minh, nếu cứ làm như hiện nay thì rất dễ vi phạm quy định”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 kiến nghị với Trung ương cập nhật thường xuyên danh sách các chất gây nghiện, tránh tình trạng không thể xử lý vì chất nguy hại vì không có trong danh mục cấm. Đồng thời, đề xuất lập văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại TP Hồ Chí Minh để “chia lửa” với các cơ quan quản lý tại thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.