(HNM) - Theo quy luật, các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu thường lợi dụng những dịp lễ lớn cuối năm như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... để đẩy mạnh hoạt động.
Thời điểm "nhạy cảm"
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội), do thị trường Hà Nội ngày càng phát triển với tốc độ cao, giao thương hàng hóa ngày càng lớn, nên hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Lực lượng chức năng thu giữ hơn 13.000 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại quận Hà Đông chiều 10-7-2017. |
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (TS Natural) địa chỉ lô 18, khu hành chính mới, phường Hà Cầu (quận Hà Đông). Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm thuộc 10 dòng sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhãn hiệu Hàn Quốc, New Zealand nhưng không đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tem, nhãn sản phẩm theo quy định...
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 26 phối hợp cùng tổ kiểm tra tuyến Công an TP Hà Nội và Công an quận Hà Đông phát hiện, thu giữ hơn 13.000 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Đại diện cơ sở là bà Nguyễn Thị Vân (trú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) khai nhận, toàn bộ số hàng trên là các loại sữa tắm trắng da, muối tắm trắng da mang nhãn hiệu Clarins nhập khẩu từ Pháp.
Còn Đội Quản lý thị trường số 30 kiểm tra đột xuất cửa hàng bán gạch Đinh Huế (phố Tía, thị trấn Thường Tín), đã phát hiện và thu giữ gần 3.000 hộp gạch lát nền có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Royal của Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia. Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 19 đột xuất kiểm tra cửa hàng bán gạch Tuệ Thêm (đường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây), phát hiện và thu giữ gần 700 hộp gạch lát nền có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Royal.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta. Các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ, gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu, hoặc làm giả giấy tờ… Một số người dân còn bị các đối tượng lôi kéo tham gia vào đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng…
Trong 9 tháng qua, BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 7.295 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại; khởi tố hình sự 23 vụ, với 32 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách từ phạt hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế sau thanh tra, kiểm tra, bán hàng tịch thu là hơn 1.125 tỷ đồng. Riêng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 1.771 vụ, phạt hành chính trên 12,6 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu và tiêu hủy hơn 12 tỷ đồng. |
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất
Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018. Vì thế, các lực lượng chống buôn lậu chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, Ga Yên Viên, Ga Gia Lâm, Sân bay quốc tế Nội Bài... Các mặt hàng trọng điểm kiểm tra là rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, sản phẩm công nghệ, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống...
Cũng theo ông Chu Xuân Kiên, BCĐ 389 Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Xác định rõ các thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát lớn cho ngân sách, những mặt hàng, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá. Kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường; làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, dẫu buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn ra tràn lan, song nhiều doanh nghiệp lại có thái độ... ngại đấu tranh khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả, do sợ ảnh hưởng đến thương hiệu và việc bán hàng. Điều đó cho thấy nhận thức của doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế.
Đánh giá về thực trạng này, ông Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian qua, một số đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống hàng giả, như Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia... Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp không quan tâm, thậm chí che giấu thông tin về các sản phẩm bị làm giả vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình, gây khó khăn cho điều tra, xử lý. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần chủ động thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng khi có sản phẩm bị làm giả. Như vậy doanh nghiệp vừa tự bảo vệ mình nhưng đồng thời cũng nêu cao trách nhiệm đối với xã hội trong chống buôn lậu, gian lận thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.