Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống bệnh khoe mẽ

Long Hà| 08/06/2020 06:15

(HNM) - Khoe mẽ, hiểu nôm na là việc khoe khoang, phô bày vẻ hình thức bề ngoài.

Đương nhiên, muốn khoe được thì phải có gì đó để khoe. Ở góc độ tích cực, ý thức và hành động khoe khoang có tác dụng tạo nguồn động lực thúc đẩy việc tự khẳng định mình. “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”; “y phục xứng kỳ đức”… những câu dân dã ấy là phương châm sống, ứng xử, tu dưỡng bản thân, và cũng là cách để mỗi cá nhân suy nghĩ khi hòa mình vào tập thể, cộng đồng.

Nên tự khẳng định mình bằng cách nào: Tri thức, nhân cách, đạo đức, văn hóa, tiền bạc, hay chỉ bằng những giá trị siêu hình, thậm chí phản cảm?

Quá trình tìm kiếm câu trả lời này là quá trình phân hóa, bộc lộ tốt - xấu, hợp lý - bất hợp lý của mỗi cá nhân, tập thể. Cũng từ đây, xuất hiện yếu tố tiêu cực: Việc khoe khoang quá mức, không có cơ sở biến thành bệnh khoe mẽ!

Nhận diện bệnh khoe mẽ không quá khó. Từ lâu, cha ông ta đã có nhiều đúc kết sâu sắc để chỉ những người mắc căn bệnh này: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”; “thùng rỗng kêu to”, “làm ít, xít ra nhiều”…

Ngoài xã hội, dễ thấy bệnh khoe mẽ biểu hiện qua những hành vi chơi trội, chơi ngông khoe tiền, khoe của, khoe nhà cửa, ô tô sang; là những phát ngôn, hành vi “không giống ai”… một cách quá mức, thậm chí kệch cỡm.

Là cái gắn liền với những gì bộc lộ bên ngoài mỗi người, nên trong cơ quan, đơn vị, không quá khó để nhận biết bệnh khoe mẽ. Nhẹ thì “chỉ tôi là nhất” lăng xăng chỗ này, chỗ kia nhưng khi cấp trên giao việc cụ thể, thì làm gì cũng sai, cũng hỏng. Đó cũng có khi là những người bằng cấp nhiều và sáng choang, nhưng được giao đảm nhận công việc đúng chuyên môn bằng cấp, thì lúng túng như gà mắc tóc, kết quả tạo ra lại đầy tối tăm. Nặng hơn, thì là kiểu tìm mọi cách né trách nhiệm thuộc chức trách của mình thông qua đổ lỗi cho người khác, cho nguyên nhân khách quan; thậm chí “làm láo, báo cáo hay” v.v...

Nhận diện không khó, nhưng suốt quá trình phát triển của Đảng và Nhà nước ta, căn bệnh này vẫn tồn tại và gây tác hại không nhỏ cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Đã “chỉ có tôi là nhất” - người mắc bệnh này chỉ chăm chăm nghĩ đến mình, tìm cách “đánh bóng” mình chứ không bao giờ coi việc chăm lo xây dựng một tập thể vững mạnh, đoàn kết. Anh ta thường nói rất chung chung (để giấu dốt và tránh va chạm); thậm chí nói “một đằng, làm một nẻo”, còn hành động thì tách rời những sinh hoạt thông thường của cơ quan, đơn vị.

Khi "bằng cấp có thật nhưng trình độ không thật" lại cộng thêm bệnh háo danh - đương nhiên người mắc bệnh này phải tìm mọi cách che chắn cho khỏi lộ sự kém cỏi, dốt nát. Hình ảnh dễ thấy là im lặng trong cuộc họp nhưng “nổ” rất kêu ngoài cuộc họp, bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng - kiểu như: “Tôi không muốn nói”, hoặc “ý kiến ông A, bà B là như thế, tôi buộc phải theo số đông, nhưng không nhất trí” (!?).

Sự kém cỏi về tài nhưng mắc bệnh khoe mẽ thường có các cấp độ bệnh: Nhẹ thì né trách nhiệm, không giữ được tư cách tiền phong gương mẫu của người đảng viên. Nặng hơn một chút là tìm cách tập hợp, lôi kéo những người ủng hộ mình để hưởng ứng, tán dương. Nếu trong lòng đầy ắp tham vọng quyền lực, thì chăm chăm thì thụt gặp người này, vận động người kia kết thành phe nhóm; rồi sử dụng các thủ đoạn tung tin sau lưng, “ném đá giấu tay” để vu oan, bôi xấu thủ trưởng mình, nhằm thỏa giấc mơ quyền lực. Cán bộ có chức vụ cao trong đơn vị mà mắc bệnh này, chắc chắn tập thể nơi đó khó mà có được sự bình yên, đoàn kết thật sự vì mục tiêu chung.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rất rõ 8 căn bệnh do thứ “vi trùng rất độc” là chủ nghĩa cá nhân gây ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, những căn bệnh như bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, óc lãnh tụ - đều ít nhiều liên quan chặt chẽ tới bệnh khoe mẽ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng chỉ đích danh những biểu hiện suy thoái gắn liền với bệnh khoe mẽ: “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả… không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao” (biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị). “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình… Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi” (biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống).

Những đảng viên mắc bệnh khoe mẽ và suy thoái như vậy, nếu được đưa vào làm lãnh đạo cơ quan, đơn vị, rõ ràng chỉ hại nhiều hơn lợi. Bởi thế, ngày 26-4-2020, trong bài viết của mình về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý tới yêu cầu phải trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường trong lựa chọn cán bộ: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong".

Là con người, đương nhiên ai cũng có khiếm khuyết. Cán bộ, đảng viên cũng không ngoài quy luật chung này. Song cán bộ, đảng viên khác với người thường ở chỗ phải luôn tu dưỡng nhằm hoàn thiện bản thân, luôn nêu cao vai trò tiền phong, đạo đức gương mẫu. Muốn vậy, phải luôn soi mình trước lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam và dũng cảm nhìn thẳng vào hạn chế của mình để khắc phục, sửa chữa. Chữa trị và đẩy lùi căn bệnh khoe mẽ, háo danh cũng trên nguyên lý này. “Liều thuốc” đặc trị lâu dài không gì khác là luôn công khai, dân chủ và giữ vững các nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ; từ đó chọn lựa ra những cán bộ lãnh đạo là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống bệnh khoe mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.