Đời sống

Chọn máy ép trái cây: Cần chú ý đến công suất và nhu cầu

Lam Giang 27/06/2024 - 07:17

Máy ép trái cây đã trở thành vật dụng phổ biến tại các gia đình và được sử dụng nhiều trong mùa nắng nóng. Hiện nay, thị trường máy ép trái cây rất đa dạng nên người dùng cần tùy vào thực tế sử dụng để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

nguoi-tieu-dung-lua-chon-ma.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn máy ép trái cây tại Trung tâm thương mại Aeon (quận Long Biên). Ảnh: Hà Thư.

Hai dòng máy ép trái cây

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian qua, các nhà sản xuất điện máy đã tung ra thị trường nhiều loại máy ép trái cây với kiểu dáng, công suất, thương hiệu, giá tiền… rất đa dạng. Ghi nhận tại các siêu thị điện máy như MediaMart, Pico, HC, Điện máy xanh… hay các cửa hàng điện máy trên nhiều tuyến phố của Thủ đô cho thấy, sản phẩm máy ép trái cây được bày bán gắn với nhiều thương hiệu lớn nhỏ như Roler, Bluestone, Panasonic, Philips… có giá từ 400 nghìn đồng tới hơn 20 triệu đồng/sản phẩm.

Theo nhân viên siêu thị điện máy MediaMart trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân) Lê Minh Tú, thị trường máy ép trái cây được chia làm 2 loại chính là máy ép nhanh và chậm. Trong đó, máy ép trái cây tốc độ nhanh hay máy ép ly tâm là dòng máy phổ thông có mặt trên thị trường từ lâu, được nhiều chị em nội trợ tin dùng. Nguyên lý hoạt động của máy ép nhanh là mâm xay với các lưỡi dao sắc bén xoay với tốc độ nhanh để mài nhỏ trái cây, tách nước ra khỏi bã nhờ lực ép ly tâm.

Máy có ưu điểm là dễ lắp đặt, công suất cao, tốc độ quay nhanh, ống tiếp nguyên liệu lớn nên không phải cắt nhỏ trái cây do đó rút ngắn thời gian làm nước ép. Đặc biệt, máy có giá thành rẻ hơn so với máy ép chậm nên phù hợp với nhiều gia đình. Nhược điểm của loại máy ép này là độ ồn khá lớn khi hoạt động; nước ép dễ bị tách nước hoặc ô-xi hóa, vị nhạt hơn và lẫn nhiều bã nhỏ. Ngoài ra, máy không ép kiệt được lượng nước và bảo toàn các chất dinh dưỡng trong rau, củ, quả; không ép được các loại rau, quả mềm như chuối, thanh long…

Trong khi đó, dòng máy ép tốc độ chậm ra đời sau có thể ép kiệt bã nguyên liệu và giữ được tối đa chất dinh dưỡng có trong rau, củ, quả. Máy hoạt động theo nguyên lý trục vít dạng xoắn ốc từ từ đưa nguyên liệu vào lưới lọc mà không tạo ra lực ly tâm và ma sát với hỗn hợp đang ép. Sau đó, bộ phận tách bã sẽ đẩy bã ra ngoài và nước ép sẽ chảy ra khay hứng. Máy quay chậm có thể hạn chế được tối đa tiếng ồn, thành phẩm nước ép thu được không bị ô-xi hóa hay tách nước nên đậm vị hơn và không bị lẫn nhiều bã như với máy ép ly tâm.

Lượng nước trong rau, củ, quả được ép kiệt và giữ lại được chất dinh dưỡng. Máy ép chậm có thể ép được hầu hết các loại rau, củ, quả kể cả với những loại rau, trái cây mềm như rau cải, rau má, chuối, thanh long… “Song máy ép trái cây chậm có giá thành cao hơn máy ép nhanh, thời gian ép lâu hơn và phải tốn công cắt nhỏ nguyên liệu trước khi cho vào ép để tránh bị kẹt…”, anh Lê Minh Tú cho biết.

Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Theo nhân viên siêu thị điện máy HC (đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) Vân Anh, dù là máy ép trái cây nhanh hay chậm thì đều cho ra những ly nước ép thơm ngon, cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe con người, tuy nhiên cần căn cứ vào nhu cầu và tài chính của mỗi gia đình để chọn loại máy ép cho phù hợp.

Công suất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tới hiệu suất ép trái cây và khả năng tiết kiệm điện. Thông thường, máy ép trái cây có công suất dao động từ khoảng 150W-800W. Công suất càng lớn thì máy sẽ ép nhanh hơn nhưng đồng thời cũng tạo ra tiếng ồn lớn hơn và tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Ngoài ra, khi lựa chọn máy ép trái cây, người dùng cũng cần tính toán không gian phòng và nơi đặt máy ép để chọn kích thước phù hợp.

Còn theo nhân viên bảo trì, bảo hành, hệ thống siêu thị MediaMart Dương Thanh Bình, khi mua máy ép trái cây nên quan sát kỹ xem phần vỏ có bị nứt, vỡ hay không, phụ kiện có đầy đủ không, các bộ phận có được lắp chặt với nhau không... Cũng nên kiểm tra máy ép để xem màng lọc có dễ làm vệ sinh hay không. Một số máy có màng lọc dễ dàng rửa sạch bã rau, củ, quả, nhưng có một số máy việc vệ sinh màng lọc khó hơn. Cũng cần lưu ý tới độ ồn của máy do máy ép càng nhanh, công suất càng lớn thì càng ồn. Điều không kém phần quan trọng là lựa chọn những thương hiệu và cửa hàng, siêu thị điện máy uy tín; sử dụng máy theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong khi đó, nhân viên siêu thị điện máy Pico (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) Trần Thị Kim Hạnh tư vấn, để máy hoạt động tốt và kéo dài tuổi thọ, người dùng cần vệ sinh máy sạch sẽ ngay sau sau khi sử dụng. Mặt khác, cần chọn nguyên liệu phù hợp vì không phải loại rau, củ, quả nào cũng sử dụng được để làm nước ép. Một số loại trái cây quá mềm như chuối, xoài, mít, mãng cầu… khi ép rất dễ bít các lỗ nhỏ li ti trên lưới lọc nên không cho ra được nước ép.

Điều quan trọng không kém là tìm hiểu hướng dẫn đối với từng loại máy ép để chuẩn bị nguyên liệu phù hợp. Những loại máy có công suất lớn cho phép ép luôn cả hạt hay cả quả trong khi những máy có công suất nhỏ thường yêu cầu cắt trái cây trước khi cho vào cối và chỉ nên cho một lượng vừa phải. Mặt khác, cũng nên cho trái cây vào từ từ, tránh gây kẹt nguyên liệu khiến bã thải bị giữ lại, gây nên tình trạng nghẽn ép.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chọn máy ép trái cây: Cần chú ý đến công suất và nhu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.