Từ ngày 1-7 tới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực với nhiều điểm mới, liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Khi quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ mạnh mẽ trong các cam kết quốc tế và luật pháp Việt Nam thì trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng tăng thêm.
Nhiều sản phẩm gây mất niềm tin
Sau các phiên livestream tiền tỷ của TikToker Quyền Leo Daily, người tiêu dùng đã nổ ra tranh cãi bởi các sản phẩm xuất hiện có chất lượng kém, không như quảng cáo. Điển hình là, ngày 5-6, TikToker Quyền Leo Daily mở phiên Mega Live, lần này con số doanh thu mong muốn lên đến 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng cho rằng trong phiên livestream này xuất hiện sản phẩm nước giặt xả quần áo có chất lượng kém, không như quảng cáo.
Theo đó, trong phiên Mega Live lần này, vợ chồng TikToker Quyền Leo Daily đã giới thiệu một dòng nước giặt xả thế hệ mới với deal giá siêu hời. Thế nhưng, theo trải nghiệm của các khách hàng thì không có sự "thần thánh" nào ở đây cả. Thậm chí, một người dùng còn làm hẳn clip về việc này và khẳng định "mất niềm tin" vì sản phẩm: Loãng toẹt, ít bọt và giặt xong bay mùi ngay.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Hữu Bằng (trú tại ngách 12/17 phố Thụy Khuê, Hà Nội). Anh Bằng tìm được một cửa hàng bán giày trên mạng khá ưng ý, với giá giảm 20% so với giá gốc. Anh Bằng trao đổi dưới hình thức chat với người bán hàng và chốt mua hàng. Để nhận được mức giá giảm, anh Bằng đã đồng ý chuyển khoản trước số tiền 500.000 đồng để mua đôi giày có giá 1,2 triệu đồng.
Sau khi nhận giày, anh Bằng phát hiện ra sản phẩm tuy nhìn khá giống trên trang giới thiệu sản phẩm nhưng chất lượng hoàn toàn khác. Đôi giày có nhiều lỗi về kiểu dáng, đường may, chất liệu... Sau khi tra trên mạng, anh được biết đây là giày nhái thương hiệu, được bán với giá chỉ... hơn 200.000 đồng/đôi. Liên hệ chủ cửa hàng giày nói trên để trả hàng, anh Bằng nhận được câu trả lời là “đã gửi hàng giống như hình nên không thể đổi trả”. Sau nhiều lần tranh cãi, anh Bằng đành bỏ cuộc.
Thông tin tại Hội thảo “Một số cập nhật về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức mới đây, bà Phạm Quế Anh - Chuyên gia GIZ cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. Người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa nên phải dựa vào việc thu thập thông tin từ các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác. Thanh toán qua internet hàng hóa được gửi đến cho người tiêu dùng, thường qua bên thứ ba, hoặc thanh toán khi nhận hàng (COD). Do đó, người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hóa.
Những điểm mới quan trọng bảo vệ người tiêu dùng
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Đức Trung, từ ngày 1-7 tới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới, có liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp. Trong đó có nhiều quy định được đánh giá có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Theo đó, luật đã xác định các mô hình kinh doanh trên không gian mạng, gồm: Hệ thống thông tin do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự thiết lập, nền tảng số và nền tảng số trung gian. Từ đó, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong thời gian qua đã được định hình, đặt tên, tạo căn cứ pháp lý để điều chỉnh hoạt động của các mô hình này, ví dụ như các nền tảng về đặt xe trực tuyến, nền tảng nội dung kết hợp mua bán…
Bên cạnh việc xác định chính xác các mô hình giao dịch, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và văn bản hướng dẫn đã xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện…
Thông tin thêm về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) Hồ Tùng Bách cho biết, luật mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, luật có nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm…
Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Sita Zimpel - Giám đốc Dự án ASEAN SME (GIZ) nhấn mạnh, hiện nay, nhiều cam kết quốc tế đã được xây dựng để thúc đẩy việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử. Do đó, nỗ lực của các bên liên quan là rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới hài hòa với quy định pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực, qua đó thúc đẩy thương mại bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.