Theo dõi Báo Hànộimới trên

Choáng vì “thảm họa lịch sử” trên phim truyền hình

Theo Vietnam+| 20/09/2011 15:59

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là… Đại La, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại… Hội nghị Diên Hồng...

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là… Đại La, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại… Hội nghị Diên Hồng.

Những kiến thức lịch sử cơ bản đã bị bóp méo trong tập 271 của phim "Những phóng viên vui nhộn" được phát trên sóng truyền hình đang khiến khán giả nổi giận. Điều đáng nói hơn, đây lại là tập phim có tên "Bài học lịch sử", nhằm phê phán tình trạng học sinh ngày càng thờ ơ với lịch sử và việc hàng nghìn bài thi môn lịch sử trong kỳ thi đại học đạt điểm 0.

Các diễn viên trong phim "Những phóng viên vui nhộn". (Ảnh: Internet)


Trong tập phim này, các nhân vật cười nhạo việc thí sinh không hiểu biết lịch sử nhưng lại tuyên bố Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại… Hội nghị Diên hồng.

Nhân vật Phi, với vai trò là người phụ trách một phòng phóng viên đã “lên lớp” cho nhân viên của mình rằng: “Dân ta phải biết sử ta. Kỳ thi đại học vừa rồi, thí sinh làm bài môn lịch sử dưới trung bình nhiều lắm…Tôi không thể để phóng viên tòa soạn này góp phần vào thảm hoạ lịch sử được. Đây là vấn đề xã hội đấy, biết chưa?”.

Và để khẳng định kiến thức lịch sử của mình, nhân vật này sẵn sàng trả lời câu hỏi về lịch sử của nhân viên.

Tuy nhiên, nhân vật này lại sai ngay ở câu trả lời đầu tiên khi khẳng định: “Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là… Đại La”. Nhân vật Phi nói rất hung hồn, trong khi các nhân vật khác thì mắt tròn mắt dẹt đầy ngưỡng mộ.

Ngay sau khi phát sóng, tập phim đã gây bức xúc trong dư luận. Bác Phạm Văn Tân, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: “Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La, rồi đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long, thế mà phim lại nói dời đô về thành Thăng Long, đặt tên nước là Đại La? Sao nhà làm phim lại có thể sai cơ bản như thế. Con tôi đang là học sinh lớp 8 và nó rất thích xem phim này, tuyên truyền kiến thức lịch sử sai lệch như vậy thật nguy hiểm.”

Còn bác Đỗ Ngọc Tuấn, ở Hà Đông, thì ngậm ngùi: “Chúng ta vừa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm ngoái. Dịp đó, những kiến thức lịch sử này đã được tuyên truyền rầm rộ, thế mà vẫn còn sai. Thật không hiểu nổi!”

Làn sóng phản đối của cư dân mạng còn sôi động hơn. Trên trang Youtube, một bạn có nick name xacvexuixeo thất vọng: “Lịch sử Việt Nam chưa một lần mang tên nước là Đại La, vậy mà... Không hiểu kiến thức lịch sử của ban biên tập phim ‘Phóng viên vui nhộn’ để ở đâu?”

Khán giả có nick name thedung93 cũng bức xúc: “Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở hội nghị Bến Bình Than năm 1282 chứ không phải Hội nghị Diên Hồng năm 1284. Một chương trình phim truyện truyền hình lại có thể sai sót nghiêm trọng về lịch sử nước ta đến vậy. Thật là đáng buồn.”

Dẫn giải cụ thể hơn, bạn Phạm Thị Hà, sinh viên Đại học Luật Hà Nội nói: "Trong chương trình phổ thông đã có học về hai hội nghị này. Hội nghị tại bến Bình Than, vua triệu tập các quan, tướng lĩnh để bàn chiến thuật, tổ chức đánh giặc. Tại hội nghị này, Trần Quốc Toản vì quá trẻ nên không được vào dự. Vì thế, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam trong tay. Còn Hội nghị Diên Hồng là vua triệu tập các bô lão, không bàn chiến thuật mà chỉ bàn đánh hay hòa. Các bô lão đều hô vang: Đánh! Đánh!"

Khán giả leminhdongtb cho rằng: “Một người thì còn bảo nhầm lẫn, đằng này cả một kíp làm phim, từ đạo diễn, diễn viên, đến quay phim, mà không ai biết mấy kiến thức lịch sử cơ bản này thì thật đáng xấu hổ. Thế mà còn bày đặt ‘Bài học lịch sử’ nọ kia.”

Đây cũng là bức xúc của bạn có nick name thaianhtrai07x1: “Làm phim để cổ vũ tinh thần tìm hiểu lịch sử nước nhà mà lại cung cấp thông tin lịch sử sai. Đáng thất vọng!”. Một khán giả khác bức xúc nói: "Không thể chấp nhận một chương trình truyền hình mà sai kiến thức lịch sử như thế được. Thế mà cứ kêu thảm họa lịch sử. Ban biên tập của ‘Phóng viên vui nhộn’ mới chính là thảm họa của lịch sử!"

“Phóng viên vui nhộn” là một bộ phim hài, nhưng nội dung sai lệch này lại ở phần chính kịch nên nhà làm phim không thể biện bạch đây là tình tiết để gây hài. Chưa kể, nói như một khán giả bày tỏ trên trang Youtube thì hài cũng không nên xuyên tạc và có cái nhìn sai lệch về lịch sử, vì đó là xương máu của biết bao người, là niềm tự hào dân tộc.

Xem tập "Bài học lịch sử" trong phim "Những phóng viên vui nhộn":

 Nguồn: Youtube
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Choáng vì “thảm họa lịch sử” trên phim truyền hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.