Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho vay tiêu dùng “kích” tăng trưởng tín dụng

Đức Anh| 30/09/2014 06:48

(HNM) - Lãi suất cho vay đã giảm xuống mức



Để cải thiện tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, ngân hàng không có lựa chọn nào khác là đặt trọng tâm vào mảng cho vay tiêu dùng, hay bất động sản, vừa để kích cầu tiêu dùng, vừa khơi thông thị trường nhà đất…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Dẫu muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng song các chương trình cho vay tiêu dùng đều được đưa ra với tiêu chí chặt chẽ hơn vì hầu hết ngân hàng đều sợ nợ xấu. Đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cho biết, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm luôn tăng cao, do đó chú trọng cho vay tiêu dùng là hợp lý. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh không đáng kể, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nên nhiều ngân hàng hợp tác với chủ đầu tư bất động sản, đơn vị kinh doanh ô tô… để triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng, hoặc vay mua nhà, đất với mức lãi suất giảm nhiều so với các thời điểm trước.

Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Quốc dân (NCB) có chương trình cho vay mua ô tô, với điều kiện cho khách hàng linh hoạt lựa chọn mức lãi suất ưu đãi 7%/năm cho 3 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/năm cho 12 tháng. Lãnh đạo ngân hàng này cam kết, sau thời điểm được ưu đãi, NCB sẽ tiếp tục áp dụng lãi suất hợp lý cho khách hàng, công thức lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động cộng với biên độ thấp. Khách hàng tham gia còn được miễn 100% phí trả nợ trước hạn từ năm thứ ba trở đi, đăng ký khoản vay ưu đãi 7 năm và tham gia chương trình tích điểm để được nhận quà. NCB còn dành lãi suất ưu đãi cho chính các đại lý ô tô.

Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), nguồn vốn 700 tỷ đồng được dành để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua, xây, sửa chữa nhà, mua xe và tiêu dùng cá nhân, lãi suất tối thiểu 7,5%/năm trong 3-6 tháng đầu. Chương trình được triển khai từ nay đến hết năm 2014, dành cho các khoản vay có giá trị từ 100 triệu đồng và kỳ hạn vay từ 6 tháng trở lên. Cùng với đó, ABBANK triển khai gói 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn cá nhân trung và dài hạn (từ 24 tháng trở lên). Mức lãi suất 8,5%/năm trong 12 tháng đầu. Lãnh đạo ABBANK khẳng định, cuối năm là mùa cao điểm về tín dụng cá nhân, nhu cầu của người dân về vốn để mua sắm trang thiết bị, xây sửa nhà và các mục đích tiêu dùng khác rất lớn. Những chương trình hỗ trợ vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, từ đó góp phần kích cầu nền kinh tế.

Ngoài những chương trình cho vay tiêu dùng, nhiều ngân hàng đã hướng tới mảng cho vay bất động sản. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai chương trình cho vay mua nhà tại dự án căn hộ cao cấp The Park Residence (tại Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh) với lãi suất 4,9%/năm trong 6 tháng đầu. Tổng giá trị khoản vay tối đa 10 tỷ đồng, trong vòng 25 năm. Bắt tay với Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) triển khai chương trình "Ưu đãi lớn - Vay mua nhà Vingroup" dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà dự án Times City và Royal City (Hà Nội). Nếu mua nhà thuộc 2 dự án trên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất thấp nhất là 7,99%/năm trong thời gian tối đa 12 tháng. Thời gian vay vốn tối đa 17 năm, mức vay tới 70% giá trị căn hộ đối với tài sản bảo đảm là chính căn hộ hoặc 80% giá trị nếu khách hàng bổ sung thêm tài sản bảo đảm khác. VietinBank còn hợp tác với Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội cho vay mua căn hộ Riverside (Long Biên - Hà Nội) với lãi suất 7,5%/năm trong 12 tháng.

Tuy nhiên, thời gian tới, sản phẩm cho vay tiêu dùng sẽ không còn cơ hội "nở rộ" do Ngân hàng Nhà nước định thắt chặt dịch vụ này khi đưa ra dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, ngân hàng thương mại phải thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng theo hình thức cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng. Nếu ngân hàng đã ký các hợp đồng tín dụng tiêu dùng trước ngày thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn của hợp đồng và không được ký thêm hợp đồng mới. Mặc dù thông tư mới chỉ được đưa ra để lấy ý kiến, song nhiều khả năng sẽ được thông qua. Bởi, theo các chuyên gia, thông tư nhằm giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro khi cho vay tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho vay tiêu dùng “kích” tăng trưởng tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.