Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho phép thí điểm để "siết" Grab, Uber vào khuôn khổ quản lý

Tuấn Lương| 24/11/2015 16:45

(HNMO) - Sáng nay (24-11), tại Hà Nội, Báo Giao thông (Bộ GT-VT) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber”.


Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ GT-VT cho rằng, việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber taxi có nhiều ưu điểm, như giảm thời gian, giảm chi phí khâu trung gian, giảm giá cước và khiến việc đi lại của người dân thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể, loại hình mới này chưa đáp ứng được các quy định về kinh doanh vận tải; việc đón trả khách không đúng quy định cũng gây ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm ở một số thành phố lớn.

Do đó, trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ, Bộ GT-VT đã giao Grap thí điểm sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng với thời gian thí điểm 2 năm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh taxi là xu thế mới. Xu thế này sẽ kéo mô hình taxi truyền thống có sự chuyển đổi nhanh với cùng một mục tiêu mọi người và doanh nghiệp đều mong muốn là sự hài lòng, sự an toàn của người dân và giảm được chi phí trung gian.

Việc triển khai thí điểm Grab taxi sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thứ nhất là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách với nhau, thứ hai là cạnh tranh giữa các đơn vị có phần mềm quản lý với tính ưu việt cao hơn với DN kinh doanh taxi truyền thống. Grab, Uber hay bất cứ DN nào đó có phần mềm ưu việt hơn thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh, DN hoạt động trong lĩnh vực nào mà có phần mềm nào ứng dụng hiệu quả hơn thì người ta sẽ lựa chọn, như vậy là phù hợp với quy luật của thị trường.

Liên quan đến câu hỏi việc quản lý giá và sử dụng dịch vụ điện tử còn thiếu cơ sở xử lý, có giải pháp nào không? Việc Grab khuyến mại rầm rộ thời gian qua có vi phạm luật cạnh tranh? Luật sư Trương Thanh Đức (trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) giải thích: "Theo luật thương mại, cạnh tranh không ghi rõ trường hợp nào gọi là khuyến mãi và thủ tục như thế nào. Theo quy định, các hãng vận tải được phép nhưng không quá 50% giá. Điều này gây ra bất cập bởi không chỉ taxi mà DN trong các lĩnh vực khác cũng cho rằng chỉ cho giảm 50% là không hợp lý, tôi cho rằng nên cho phép giảm tới 100%. Áp dụng vào taxi có nhiều loại khuyến mãi. Cần làm rõ bản chất là do người ta hạ giá thành, giảm giá, hay khuyến mãi theo tài xế… Để biết có vi phạm hay không thì phải nắm rõ từng trường hợp cụ thể. Về hình thức hợp đồng có hợp pháp hay không, tôi cho rằng hình thức hợp đồng vận tải bắt buộc phải bằng văn bản là không đúng. Luật Thương mại 2005 quy định, hợp đồng giao dịch có rất nhiều hình thức khác nhau. Nghị định 86/NĐ-CP lại không nói rõ ngoài văn bản hình thức dữ liệu khác có được coi là hợp đồng hay không? Theo tôi, trong trường hợp này, thông tin về dữ liệu điện tử có giá trị ngang văn bản. Hợp đồng tự đặt giá có thể rẻ, có thể đắt tại các khung giờ khác nhau. Đó cũng là chuyện được cho là hợp lý. Với phần mềm Grap tạo cơ hội cho khách rất nhiều để tự đặt giá cho nhà xe. Hành vi này không hề vi phạm pháp luật". 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cho phép thí điểm để "siết" Grab, Uber vào khuôn khổ quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.