(HNM) - Cách đây hơn một tuần, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 87/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019.
Theo đó, tại phiên họp diễn ra ngày 22-2-2019, sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận, nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ...
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, trong đó người dân giữ vai trò chủ thể, được phát động với những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa là một nội dung quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào - trụ cột vững chắc góp phần khích lệ nhân dân góp sức xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.
Tính khích lệ, động viên đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa như “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”… bảo đảm nguyên tắc “khách quan, công bằng, chính xác, công khai”, dựa trên tiêu chí, quy trình xét tặng đã được nêu rõ tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Nói cách khác, với các địa phương và ngành Văn hóa, việc xét tặng các danh hiệu văn hóa phải mang tính thực chất, coi trọng chất lượng thay vì “tô hồng số liệu” nhằm tạo ra bản “thống kê đẹp” - một biểu hiện rõ ràng của “bệnh thành tích”.
Vấn đề đặt ra là vì sao, lúc này, sau gần 20 năm phát động Phong trào, nguyên tắc “khách quan, công bằng, chính xác, công khai”, tính thực chất trong việc xét tặng danh hiệu văn hóa lại được nhấn mạnh hơn bao giờ hết?
Thực tế cuộc sống đã cho câu trả lời chính xác. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2018, trong 18 năm thực hiện Phong trào, đã có hơn 19 triệu gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hơn 69 nghìn/thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa…
Tỷ lệ gia đình, khu dân cư được tặng danh hiệu văn hóa là rất cao, một mặt cho thấy Phong trào đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu vào đời sống của nhân dân, nhưng mặt khác cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa.
Vấn đề đáng được xem xét bởi trong thực tế hành vi phản văn hóa còn tồn tại khá phổ biến trong đời sống xã hội. Nạn xả rác bừa bãi, ý thức kém trong tuân thủ quy định về giao thông, tình trạng sử dụng chất gây nghiện, ứng xử thiếu văn hóa ở khu dân cư, ngoài đường phố và trong trường học… là điều dễ nhận ra ở không ít nơi. Chỉ riêng điều này đã cho thấy sự tương phản nhất định khi đối chiếu với số liệu về số lượng gia đình, khu dân cư đã được công nhận danh hiệu văn hóa.
Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành; tiêu chí, quy trình xét tặng đã được điều chỉnh cho phù hợp thực tế, là cơ sở để các địa phương thực hành tốt việc xét tặng các danh hiệu văn hóa. Từ đó, tạo tâm lý phấn khởi thi đua thực hành văn hóa trong cộng đồng, đưa Phong trào nói chung và công tác xét tặng danh hiệu văn hóa nói riêng đi vào thực chất. Điều này sẽ góp phần hạn chế hành vi tiêu cực, phản văn hóa, xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Tuy vậy, để Nghị định số 122/2018/NĐ-CP đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả thực chất, phải xác định rõ những hạn chế cần khắc phục - cả về nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện công tác xét tặng các danh hiệu văn hóa trong thời gian qua. Các đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc xét tặng các danh hiệu văn hóa là nhằm động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia vào quá trình xây dựng môi trường văn hóa, biểu dương những nhân tố điển hình nhằm làm lan tỏa Phong trào.
Với ý nghĩa đó, mọi quan điểm, biểu hiện về tính hơn - thua thông qua việc xét chọn qua loa, đại khái, thiếu dân chủ, không tuân thủ tiêu chí, quy trình nhằm chạy theo thành tích, tạo con số “ảo” đều là sai trái, cần được nhận diện và sớm loại bỏ.
“Bệnh” hình thức, cách trao tặng danh hiệu tràn lan, “đại khái” chỉ có thể chấm dứt nếu các địa phương thực hiện nghiêm tiêu chí, quy trình xét tặng các danh hiệu văn hóa. Giờ đây, với tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa dựa trên thang điểm được xây dựng phù hợp với các vùng, miền, khu vực và quy định cụ thể những nhóm trường hợp không được xét tặng, hy vọng rằng việc xét tặng các danh hiệu văn hóa sẽ đi vào thực chất, tạo lực đẩy đủ lớn để kích thích tinh thần tham gia xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.