Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Séc: Hy vọng tháng 10

Quỳnh Chi| 24/08/2013 07:12

(HNM) - Chỉ hai tuần sau khi nội các do Tổng thống Séc Milos Zeman chỉ định thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội nước này đã tuyên bố tự giải tán...

Đây là lần đầu tiên một sự kiện như vậy diễn ra tại đất nước được coi là "trái tim Châu Âu" kể từ khi nền cộng hòa được thành lập. Theo Hiến pháp, Tổng thống M.Zeman đã phê chuẩn quyết định chính thức giải tán Quốc hội vào ngày 28-8 tới và đưa ra thời điểm dự kiến tiến hành bầu cử vào ngày 25, 26-10.

Quốc hội Séc tự giải tán hôm 20-8, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn.


Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử sắp tới có khả năng sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong thành phần Quốc hội hiện nay. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi kết quả điều tra thăm dò dư luận ngay trong tháng này của Tổ chức SANEP tiến hành cho thấy, đảng Dân chủ xã hội (CSSD) cánh tả do chính trị gia Bohuslav Sobotka hiện đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 27%, tiếp theo là đảng Cộng sản (KSCM) 16,7%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Dân chủ công dân cầm quyền (ODS) đang có xu hướng giảm mạnh. Mặc dù có thể kiếm đủ số phiếu để tiếp tục có ghế trong Quốc hội nhưng nhiều khả năng ODS sẽ tụt xuống vị trí thứ tư hoặc thậm chí thấp hơn khi chỉ nhận được dưới 10% số phiếu. Hiện tại, nhiều cử tri Séc đổ lỗi cho đảng này gây ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đặc biệt là sau những vụ bê bối của cựu Thủ tướng Petr Necas khiến ông này phải từ chức. Nhiều người ủng hộ ODS trước đây đã chuyển sang đảng Bảo thủ TOP09 - đối tác chính của ODS trong Chính phủ liên hiệp vừa từ chức, đẩy tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng này lên 13,1%.

Một số đảng nhỏ khác hiện có ghế trong Quốc hội như đảng Các vấn đề chung (VV), Tự do dân chủ (LIDEM) và LEV21 rất khó có khả năng vượt qua ngưỡng 5% số phiếu cần thiết để có chân trong Quốc hội. Thay vào đó, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (KDU-CSL) - chính đảng lớn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Séc cũng như Tiệp Khắc cũ, sau một thời gian sụt giảm uy tín nay đã dần lấy lại lòng tin của cử tri và có khả năng sẽ quay trở lại Quốc hội sau cuộc bầu cử sắp tới.

Có điều, nếu kết quả cuộc bầu cử sắp tới có thể hiện như cuộc thăm dò dư luận thì cũng không có đảng nào đủ điều kiện quá bán để đứng ra tự thành lập Chính phủ. Nhiều dự đoán cho rằng, CSSD sẽ hợp tác với KSCM trong liên minh cầm quyền mới, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của đảng Cộng sản trên chính trường Séc lần đầu tiên sau cuộc "cách mạng nhung" cách đây hai thập kỷ.

Hiện tại, những cam kết vạch ra trong chiến dịch tranh cử của CSSD và KSCM có khá nhiều điểm tương đồng về thay đổi một số chính sách liên quan tới hưu trí và ngân hàng. Cả hai bên đều dự định sẽ tăng thuế với các tập đoàn lớn và tăng cường đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, như vậy không hẳn CSSD và KSCM không có những khác biệt. Theo nhiều nhà phân tích, chính sách quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời gian tới đang là cản trở lớn nhất trong "hợp tác" giữa hai đảng cánh tả này.

Với nhiều cử tri Séc, cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới là tia hy vọng cho đất nước sau 3 tháng khủng hoảng chính trị có nguy cơ làm tê liệt lộ trình cải cách. Quốc gia Trung Âu này cần một chính phủ ổn định để triển khai những chính sách ưu tiên, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng sau hai năm liên tiếp rơi vào suy thoái; đồng thời lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Séc: Hy vọng tháng 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.