Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Pháp đổi màu

Phương Quỳnh| 19/06/2012 06:57

(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, đảng Xã hội (PS) của tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện vòng 2.


Theo kết quả sơ bộ do Bộ Nội vụ Pháp công bố, PS đã giành từ 313 đến 315 ghế, vượt xa số ghế quá bán cần thiết trong Hạ viện gồm 577 ghế. Trong khi đó, đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đảng Trung dung Mới giành từ 221 đến 231 ghế. Điều bất ngờ là đảng cựu hữu Mặt trận Dân tộc sẽ lần đầu tiên có mặt tại Hạ viện Pháp kể từ năm 1998 sau khi giành được ít nhất hai ghế ở khu vực miền Nam, dù thủ lĩnh đảng này là bà Marine Le Pen đã thất cử chức nghị sĩ. Bà Segolene Royal, một trong các lãnh đạo cấp cao của PS cũng đã thất bại trong cuộc đua trở thành nghị sĩ và phải từ bỏ tham vọng ngồi chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Pháp.

Tổng thống Pháp F.Hollande sẽ không gặp nhiều trở ngại khi đưa ra những chính sách cải cách trong thời gian tới.


Dù tỷ lệ cử tri đi bầu ở vòng hai cuộc bầu cử Hạ viện vừa khép lại chỉ ở mức 56% - con số thấp kỷ lục song, không vì thế mà ảnh hưởng tới "chuỗi hattrick" mà cánh tả Pháp lập được trên chính trường Pháp kể từ tháng 9 năm ngoái. Đó là thời điểm PS giành thắng lợi lịch sử tại Thượng viện Pháp, buộc điện Luxembourg - "thành trì bất khả xâm phạm" của cánh hữu suốt hơn nửa thế kỷ qua phải chuyển từ màu xanh sang màu hồng truyền thống của cánh tả. PS nắm quyền kiểm soát trên toàn bộ chính trường Pháp là sự kiện chưa từng xảy ra kể từ khi nền Đệ ngũ Cộng hòa ở Pháp được thành lập vào năm 1958. Ngay cả khi Tổng thống Francois Mitterrand của PS nắm quyền trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (1981-1995) thì Thượng viện lúc đó vẫn nằm trong tay cánh hữu.

Chiến thắng của PS tại cuộc bầu cử Hạ viện lần này được dự báo ngay sau khi Tổng thống F.Hollande đắc cử cách đây 6 tuần. Tuy nhiên, cũng không quá nhiều người tin rằng PS lại giành được số phiếu áp đảo đến như vậy trong cuộc đua vào Hạ viện vừa qua. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân Pháp mong muốn và tin tưởng vào một chính phủ mạnh mẽ, thống nhất nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Hay nói cách khác, các cử tri đã trao cho Tổng thống F.Hollande "chìa khóa vàng" để tiến hành những cải cách cần thiết, mang lại bộ mặt mới cho nước Pháp.

Với đa số tuyệt đối tại Hạ viện,  PS sẽ không cần phải liên kết với bất kỳ đảng nào để thông qua những dự luật do chính phủ đề xuất. Điều này có nghĩa, Tổng thống F.Hollande và ê kíp lãnh đạo Chính phủ Pháp sẽ không gặp mấy trở ngại trong hiện thực hóa những chủ trương mà ông chủ mới của điện Élysée đưa ra trong cuộc vận động tranh cử. Trong đó, đáng chú ý là cam kết tăng thuế thu nhập cá nhân và thuế với những công ty dầu mỏ và các ngân hàng lớn, cải thiện tình trạng thất nghiệp và bức tranh u ám của nền kinh tế nhưng không chủ trương "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách như nhiều chính phủ khác tại Châu Âu đang thực hiện. Hiện tại Tổng thống Pháp đã đưa ra một số chính sách và ngay lập tức nhận được sự đồng tình của dân chúng như giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống 60, giảm 30% lương của quan chức chính phủ.

Nhưng, những thuận lợi trên chính trường không có nghĩa con đường phía trước của Tổng thống F.Hollande và cộng sự hoàn toàn là hoa hồng. Vì thời gian tới, khi "cuộc chiến" giữa các đảng phái tạm lắng, cử tri Pháp sẽ "để mắt" nhiều hơn tới những khó khăn mà nền kinh tế nước này đang đối mặt. Hiện tại, nợ công của Pháp ở mức rất cao, lên tới 1.700 tỷ euro, bằng 85,8% GDP, chỉ đứng sau Hy Lạp (162% GDP) và Italia (120% GDP). Dự báo, đến hết năm 2013, chỉ số nợ công của Pháp sẽ leo thang lên tới 89% GDP. Bất chấp mọi biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ, "gánh nặng" này sẽ chưa thể giảm bớt cho tới năm 2014. Thâm hụt thương mại cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại của Pháp khi đạt tới con số kỷ lục - 70 tỷ euro trong năm 2011. Thất nghiệp cũng được dự báo sẽ vượt mức 10% trong hè này... Nếu những biện pháp cải cách của Tổng thống F.Hollande không nhanh chóng phát huy tác dụng, thì rất có thể ông chủ mới của điện Élysée sẽ phải đối diện với cuộc chiến ngăn đà lao dốc của chỉ số niềm tin như người tiền nhiệm đã từng nếm trải và thất bại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Pháp đổi màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.