(HNM) - Sau đúng một năm thành lập, Chính phủ Israel lại đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi một nghị sĩ thuộc đảng Yamina cánh hữu của Thủ tướng Naftali Bennett tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền. Điều này đẩy chính trường Israel vào sóng gió mới trong bối cảnh đất nước đang phải gánh chịu những áp lực do hậu quả của đại dịch Covid-19 và “cơn bão giá” hoành hành.
Thông tin từ đảng Yamina cho biết, nghị sĩ Nir Orbach đưa ra quyết định rút lui bởi liên minh cầm quyền không thực hiện đúng cam kết đưa ra trước khi thành lập liên quan tới một số thành viên có tư tưởng cực đoan và chống Do Thái. Mặc dù ông N.Orbach khẳng định sẽ không bỏ phiếu ủng hộ đề xuất giải tán Quốc hội dự kiến được đệ trình vào tuần tới, song việc rút lui của nghị sĩ này khiến liên minh cầm quyền chỉ còn giữ 59 ghế tại Quốc hội gồm 120 ghế của Israel, thiếu 2 ghế để bảo đảm thế đa số.
Tình trạng này khiến Chính phủ Israel rất khó đạt được các quyết sách cần phải thông qua tại Quốc hội. Bằng chứng là mới tuần trước, cơ quan lập pháp nước này đã không thể thông qua dự luật gia hạn áp dụng khẩn cấp các quy định pháp luật của Israel tại Bờ Tây (Palestine) do có tới 58 nghị sĩ bỏ phiếu chống và chỉ có 52 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ.
Trên thực tế, nguy cơ sụp đổ của Chính phủ Israel đã được dự báo ngay từ khi liên minh cầm quyền gồm 8 đảng đạt được thỏa thuận cùng điều hành nội các vào tháng 6-2021. Mặc dù được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi lớn cho Israel thông qua những cam kết nỗ lực hàn gắn bất đồng giữa các thành phần xã hội, củng cố nền tảng của một nhà nước Do Thái và dân chủ, tuy nhiên để duy trì được sự đoàn kết của Chính phủ mới bao gồm quá nhiều đảng phái rất cần nỗ lực của các bên. Trong khi đó, quan điểm và lợi ích chính trị của từng phe phái, kể cả trong nội bộ từng đảng lại có sự khác biệt không nhỏ, thậm chí đối lập gay gắt ở không ít vấn đề cơ bản, chẳng hạn như chính sách đối với người Palestine, giải pháp hai nhà nước hay ưu đãi miễn nghĩa vụ quân sự cho người theo Do Thái chính thống.
Hiện tại, nền kinh tế Israel đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chính sách xã hội Israel, hậu quả của đại dịch sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong thời gian dài tại nước này, trong đó tỷ lệ nghèo đói đang ngày càng gia tăng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel trong quý I-2022 giảm 1,6%; xuất khẩu dịch vụ cũng giảm 17%. Vấn đề đang gây lo ngại nhiều nhất đến từ việc tiêu dùng tư nhân vốn đang chững lại. Làn sóng du lịch ra nước ngoài và mua sắm khiến nhập khẩu trong quý I-2022 tăng tới 17%, tác động xấu tới tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng Tài chính Avigdor Liberman cho biết, xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ cao của nước này suy giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ thuế. Ngoài ra, sự suy giảm về nhu cầu ô tô cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Trong “cơn bão giá” đang làm chao đảo nhiều quốc gia trên thế giới, Israel cũng không phải là ngoại lệ. Tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên 4%, chạm mức cao nhất kể từ tháng 6-2011. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn mục tiêu 1-3% của Chính phủ. Giá nhà đất tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong gần 12 năm trở lại đây. Tình trạng này khiến người Israel khó có khả năng sở hữu một căn hộ, đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu.
Trong một phát biểu ngày 14-6, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhận định, Chính phủ của ông có nhiều nhất 2 tuần để giải quyết các vấn đề nội bộ, nếu không có thể phải sụp đổ. Khi kịch bản này xảy ra, Israel phải tiến hành tổng tuyển cử lần thứ năm trong vòng 3 năm. Đây là một lựa chọn mà hầu hết các cử tri Israel không mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.