(HNM) - Theo tin từ Bộ Y tế, ngày 14-2, Đề án điều chỉnh giá hơn 400 dịch vụ y tế, do Liên bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, LĐ,TB&XH xây dựng và đề xuất đã được Chính phủ đồng ý.
Theo đó, giá khám bệnh tại bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, BV hạng I là 20.000 đồng/lượt; BV hạng II: 15.000 đồng/lượt; BV hạng III: 10.000 đồng/lượt; BV hạng IV và chưa được phân hạng, phòng khám đa khoa khu vực: 7.000 đồng/lượt; trạm y tế xã, phường, thị trấn: 5.000 đồng/lượt. Mức giá khám bệnh hiện đang áp dụng là 3.000 đồng/lượt.
Đề án điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã được Chính phủ thông qua. Ảnh: Huyền Linh |
Giá ngày giường bệnh nội khoa được điều chỉnh từ 1.500 đồng đến 10.000 đồng lên từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng; ngày giường bệnh ngoại khoa: từ 3.000 đồng đến 20.000 đồng lên từ 28.000 đồng đến 145.000 đồng; ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu: từ 6.000 đồng đến 18.000 đồng lên từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng. Ngoài ra, dự thảo viện phí mới cũng bổ sung mức thu ngày giường bệnh hồi sức tích cực (ICU) tối đa là 335.000 đồng. Bổ sung mức thu ngày giường bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực tối đa là 20.000 đồng; tại trạm y tế xã, phường, thị trấn là 12.000 đồng.
Về dịch vụ, kỹ thuật y tế, sẽ điều chỉnh giá của 330 dịch vụ trong số 352 dịch vụ được quy định tại Thông tư số 14 (ban hành năm 1995), trong đó có 5 dịch vụ giảm so với mức tối đa hiện nay; 181/277 dịch vụ (chiếm 64%) có mức điều chỉnh tăng dưới 5 lần và 94 dịch vụ (khoảng 34%) có mức điều chỉnh tăng từ 5 lần trở lên. Theo Bộ Y tế, đây là những dịch vụ mà khi ban hành Thông tư 14 mới chỉ tính khoảng từ 30% đến 50% chi phí trực tiếp, nay được tính đủ theo thời giá hiện nay, bổ sung chi phí khử khuẩn, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật nên có mức tăng cao.
Khung giá viện phí trên mới chỉ tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ (thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất; chi phí về điện, nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…). Các chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn chưa được tính vào mức giá này.
Cùng với việc thực hiện chính sách viện phí mới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 139/2003/QĐ-TTg để hỗ trợ cho một số đối tượng có khó khăn trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim phải chi phí điều trị lớn… Bộ cũng đề nghị các BV trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn. Đối với người thuộc hộ cận nghèo (khoảng 6,6 triệu người), từ năm 2012 Chính phủ đã nâng mức hỗ trợ lên 70% mức đóng BHYT (thay vì 50% như trước đây) để khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT. Nhà nước sẽ bảo đảm kinh phí khám, chữa bệnh miễn phí cho người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi...
Dự kiến đến tháng 5-2012, mức viện phí mới sẽ được áp dụng tại các cơ sở y tế.
* Chiều 14-2, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí, thông báo về chế độ viện phí và bảo hiểm y tế. Theo BHXH Việt Nam, dự thảo mới nhất về điều chỉnh giá viện phí được sự nhất trí cao của Liên bộ Y tế - Tài chính - LĐ,TB&XH và BHXH Việt Nam. Sẽ không có những dịch vụ tăng vô lý và tăng hàng chục lần như trước đây. Với khung giá mới, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán sẽ sát với chi phí thực nên người có thẻ Bảo hiểm y tế sẽ không phải trả thêm các chi phí do bệnh viện thu thêm với lý do "bù lỗ".
BHXH Việt Nam sẽ tăng cường quản lý, giám sát Quỹ Bảo hiểm y tế sao cho hạn chế thấp nhất những thất thoát, lãng phí, tránh việc quỹ bị "rút ruột" dưới mọi hình thức; đồng thời tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, nâng cao nguồn thu của Quỹ Bảo hiểm y tế. Khi thực hiện chính sách viện phí mới, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm từ 6.000 tỷ đồng đến 8.000 tỷ đồng/năm. Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh giá viện phí mới, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng. Hiện nay số dư Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn còn vì thế trong năm 2012 sẽ không nâng mức phí tham gia Bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm y tế có thể sẽ bắt đầu từ năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.