Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách giàu tính nhân văn

Bắc Vũ| 05/07/2021 06:31

(HNM) - Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những chủ trương, chính sách ưu việt, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta thực hiện rất hiệu quả ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại nước ta vào đầu năm 2020. Những chủ trương, chính sách kịp thời, giàu tính nhân văn này đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta; đáp ứng được nguyện vọng của người dân và đòi hỏi của thực tiễn.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách để hỗ trợ người lao động, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Những chính sách có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng đã góp phần hỗ trợ người dân kịp thời, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, việc hỗ trợ còn góp phần quan trọng tạo điều kiện tiền đề để chúng ta thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tiếp tục củng cố vững chắc và nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Ðảng, Nhà nước ta.

Mới đây nhất, ngày 25-6, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 1-7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Với tổng trị giá gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP là 26.000 tỷ đồng, Chính phủ đã quyết nghị thực hiện 12 nhóm chính sách, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ một lần người lao động nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ các hộ kinh doanh; hỗ trợ lao động tự do; doanh nghiệp được vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất…, áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng: Người thất nghiệp, lao động tự do, hộ cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, trẻ em và phụ nữ mang thai...

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho thấy Đảng, Nhà nước đã phân tích, đánh giá rất kỹ tình hình và nhất quán tinh thần kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hồi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đáng chú ý, Nghị quyết số 68/NQ-CP đề ra 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết số 42/NQ-CP; bảo đảm chính sách có tính khả thi; mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em mắc Covid-19 hoặc phải cách ly).

Gói hỗ trợ lần hai là một quyết định kịp thời, được ví như "cơn mưa" giải tỏa sức "nóng" của làn sóng dịch bệnh thứ 4 đang diễn ra phức tạp, khó lường ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ở hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu người lao động đang chờ đợi, trông ngóng, bởi họ chính là những trường hợp yếu thế nhất trong những người yếu thế trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này. Bất kỳ sự hỗ trợ nào vào lúc này cũng rất quý giá đối với doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn.

Để chính sách giàu tính nhân văn, thiết thực này đi vào đời sống một cách nhanh nhất và hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương phải quán triệt, triển khai nghiêm túc chính sách hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là thực hiện nghiêm các nguyên tắc đề ra trong Nghị quyết số 68/NQ-CP, trên tinh thần “4 dễ”: "Dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà". Cùng với đó, bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện chính sách.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Chung sức, đồng lòng hỗ trợ người khó khăn vượt qua đại dịch là một chính sách có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, giàu tính nhân văn, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Mục tiêu cuối cùng trong mọi chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn là sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc, ấm no của nhân dân!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách giàu tính nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.