Ngày 30/3, lực lượng trung thành với Chính phủ Libya, được xe tăng và pháo hạng nặng yểm trợ, đã giành lại được thành phố chiến lược Ras Lanuf ở miền Đông sau khi đẩy lùi lực lượng chống đối khỏi thành phố sản xuất dầu mỏ này.
Lực lượng nổi dậy Libya rút khỏi trận địa gần Nofilia, cách Sirte khoảng 100km ngày 29/3. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nguồn tin tại chỗ cho biết hàng trăm ôtô chở các tay súng chống đối bỏ chạy qua thành phố Uqayla, hướng tới thành phố Brega.
Trước đó, ngày 29/3, lực lượng chống đối tại Libya cũng đã phải rút khỏi thành phố Bin Jawad sau hai ngày chiếm giữ. Đây là lần thứ hai lực lượng chống đối bị đánh bật khỏi thành phố Bin Jawad.
Nhà lãnh đạo Libya Muamar Gaddafi ngày 29/3 đã gửi một bức thư đến hội nghị quốc tế về Libya tổ chức tại London, Anh, kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công "sai trái và man rợ" nhằm vào người dân nước này.
Ông cho rằng việc giải quyết tình hình hiện nay tại Libya phải được chuyển giao cho Liên minh châu Phi (AU), đồng thời cam kết nước này sẽ chấp thuận các phán quyết của Ủy ban cấp cao AU.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 30/3 cho rằng các cường quốc phương Tây không có quyền vũ trang cho lực lượng chống đối chính phủ tại Libya theo sứ mệnh đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Phát biểu trước báo giới về việc Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nói nước này sẵn sàng thảo luận với các đối tác liên minh về việc trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập tại Libya, ông Lavrov tuyên bố nước Nga hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Anders Fog Rassmusen, rằng chiến dịch tại Libya là nhằm bảo vệ dân thường chứ không phải để vũ trang cho lực lượng chống đối.
Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng đã đến thời điểm nhà lãnh đạo Libya Gaddafi rời bỏ quyền lực và để người dân nước này thành lập chính phủ mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Italy Maurizio Massari ngày 30/3 tuyên bố việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Libya là biện pháp "quá khích" và sẽ chia rẽ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 29/3 cho biết ông đã gửi một bức thư tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc, yêu cầu cơ quan này và cộng đồng quốc tế có hành động ngay lập tức nhằm chấm dứt xung đột vũ trang ở Libya và bảo vệ an toàn cho người dân.
Tổng thống Yudhoyono chỉ trích việc thực thi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an đã làm dân thường Libya thiệt mạng nhiều hơn do các cuộc không kích của liên quân, do đó cộng đồng quốc tế cần ưu tiên một giải pháp chính trị hòa bình tiến tới chấm dứt giao tranh.
Ông Yudhoyono cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế ý thức về sự cần thiết phải thành lập các phái bộ gìn giữ hòa bình nhằm giám sát mọi lệnh ngừng bắn triển khai trên lãnh thổ Libya, đồng thời tuyên bố Indonesia sẵn sàng gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở quốc gia Bắc Phi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.