Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chim sắt” thống trị bầu trời

Kim Phượng| 29/03/2014 07:17

(HNM) - Bất chấp các vấn đề kỹ thuật dai dẳng và vô số lần trì hoãn, quân đội Mỹ vẫn không có kế hoạch hủy dự án máy bay chiến đấu mới F-35, chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc.



Máy bay chiến đấu mới Joint Strike Fighter, hay còn gọi là F-35, đã được ca ngợi là kỳ tích công nghệ có thể thống trị bầu trời, hiện là máy bay chiến đấu "thế hệ thứ 5" duy nhất đang được chào bán trên thị trường vũ khí toàn cầu. Tất cả các loại máy bay khác, tốt nhất trên thị trường đều chỉ là "thế hệ 4+", trong khi các máy bay được gọi là thế hệ thứ 5, như T-50 của Nga hay J-31 của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển. F-35 quả thực có rất nhiều lợi thế: Khả năng tàng hình cao, khả năng chiến đấu đa chức năng với kỹ thuật điện tử hàng không, cảm biến và vũ khí hiện đại, khiến nó có vị trí hàng đầu trong "cuộc cách mạng mạng lưới - trung tâm ở lĩnh vực quân sự". Được "quảng cáo" là máy bay tấn công tàng hình ưu việt với một thiết kế đặc biệt giúp tránh bị radar phát hiện, Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng Mark Welsh từng phát biểu rằng, khi F-35 đối đầu với một "kẻ thù" ở trên không, các máy bay của đối phương sẽ bị tiêu diệt trước khi phát hiện ra F-35. Không những thế, được ví như một chiếc "máy tính bay", F-35 có thể bay với tốc độ siêu thanh và trang bị phần mềm hiện đại. Mũ bảo hiểm của F-35 được kết nối với 6 camera gắn trên khắp máy bay cho phép phi công có thể quan sát thế giới bên ngoài thay vì phải nhìn màn hình hiển thị bên trong. Là chiến đấu cơ đa nhiệm, các máy bay F-35 có thể mang nhiều loại vũ khí, từ tên lửa đối không, đối đất, đối hạm tới các loại bom. Ngoài ra, nó còn sở hữu hệ thống chiến tranh điện tử tối tân, giúp giành lợi thế trước các đối thủ. Dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 này được phát triển gồm 3 phiên bản: A (Không quân), B (Thủy quân lục chiến) và C (Hải quân).

F-35 được hưởng sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội Mỹ khi nhà thầu Lockheed Martin tạo thêm công ăn việc làm từ việc chế tạo máy bay này trên khắp 45 bang của Mỹ. Không quân và thủy quân lục chiến Mỹ không đầu tư vào một dòng máy bay nào khác và đang "đặt cược" vào F-35. Dự án F-35 ban đầu được cho là rất tiết kiệm nhưng chi phí tới thời điểm này đã tăng vọt lên đến 68% so với dự tính. Lầu Năm Góc dự kiến tiêu 391,2 tỷ USD cho 2.443 chiếc máy bay. Như vậy, mỗi chiếc F-35 có giá "đáng kinh ngạc" lên tới 160 triệu USD. Theo Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ, nếu tính cả chi phí bay và bảo dưỡng trọn đời, chương trình có thể vượt qua 1.000 tỷ USD.

Dù là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất xuất hiện ở thị trường vũ khí thế giới, F-35 cũng đối mặt với nhiều thách thức khi muốn chiếm thị phần xuất khẩu, đặc biệt ở Châu Á, bởi giá quá cao. Hơn thế, lựa chọn F-35 cũng được coi là sự mạo hiểm lớn khi chương trình sản xuất chiếc máy bay chiến đấu này đã chậm ít nhất 7 năm so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là do quyết định chế tạo máy bay trước khi các cuộc thử nghiệm đã hoàn tất. Kết quả là lỗi và những sai sót kỹ thuật khác buộc nhà sản xuất phải tiến hành sửa chữa và thiết kế lại, dẫn đến làm chậm quá trình sản xuất. Máy bay sẽ không thể được biên chế trước năm 2016, 10 năm sau khi chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được thực hiện. Trong bối cảnh Lầu Năm Góc chuẩn bị công bố đề xuất ngân sách cho tài khóa 2015, sự tồn tại của chương trình F-35 - dự án vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ là không có gì phải nghi ngờ, nhưng vẫn chưa rõ cuối cùng bao nhiêu máy bay sẽ được chế tạo và bao nhiêu đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng mua nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chim sắt” thống trị bầu trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.