(HNM) - Thời gian gần đây, lại rộ lên chuyện người dân một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam lũ lượt lên rừng tìm trái mây về bán cho đầu nậu. Trong khi đó, ở các huyện đồng bằng của tỉnh này, người ta vào tận xóm, ngõ lùng tìm cau non.
Mỗi kilôgam trái mây (tùy loại) có giá khoảng 50.000 - 120.000 đồng, còn mỗi kilôgam cau non giá khoảng 10.000 - 13.000 đồng. Đầu nậu mua mây ở bìa rừng, còn cau non, sau khi thu gom chở đến một địa điểm sẽ có người ra nhận. Kết quả của "phong trào" bán trái mây, cau non là trái mây ngày xưa đầy rẫy, bây giờ muốn kiếm phải vào rừng sâu, còn cau non ở đất Quảng Nam thì đã bị "lột" sạch. Người dân địa phương chỉ biết cánh đầu nậu "săn hàng" cho thương lái nước ngoài, còn chuyện thu mua trái mây non hay cau non để làm gì thì mỗi người một phách.
Các cơ quan chức năng của địa phương không phải không biết những chuyện như vậy, nhưng biết cũng chỉ để đấy bởi: Vẫn biết đầu nậu thu mua hai loại quả này để bán cho thương lái nước ngoài, nhưng vì không bắt gặp trực tiếp người đến mua nên khó kiểm soát. Hoặc giả, cau không phải loại cây trồng chính, có hiệu quả kinh tế cao nên được giá thì dân cứ bán, không ảnh hưởng bao nhiêu đến vấn đề đời sống xã hội... Tóm lại là rất khó quản lý hoặc không vào diện quản lý dù người ta vẫn biết những việc làm như vậy có thể làm cạn kiệt nguồn giống bản địa...
Những câu chuyện nêu trên là không bình thường. Trước đó mấy tháng, tại Tiền Giang xuất hiện hàng loạt cơ sở thu mua nụ hoa thanh long, thậm chí nhiều nơi thương lái còn đầu tư xây dựng kho lạnh, lò sấy. Trước nữa tại Hậu Giang, nhiều gia đình nông dân vặt trụi lá mãng cầu xiêm bán cho thương lái... Chưa kể chuyện đầu nậu thu mua cam non, đọt sắn... Những vụ việc này đều không bình thường và những câu chuyện không bình thường như vậy đã được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn lặp đi lặp lại trong đời sống và người nông dân cả tin, hám lợi vẫn phải trả giá.
Một "kịch bản" quen thuộc: Thương lái trả giá cao, sau đó giảm dần rồi ngừng mua nhưng nông dân ham lợi không nhận biết được những sự bất thường nên vẫn rơi vào bẫy... Thế nhưng, việc chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương phản ứng chậm chạp với những hiện tượng không bình thường như vậy không thể xem là điều bình thường. Đã đến lúc phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền và các ngành chức năng địa phương nơi xảy ra những hiện tượng không bình thường nêu trên?
Nếu xem xét một cách hệ thống từ những vụ mua móng trâu, móng bò, lá vải khô, lá điều khô, lá khoai lang... đến trái mây, cau non, có thể thấy những mặt hàng mà thương lái thu mua không chứng minh được lợi ích thực sự về kinh tế, nhưng tác hại với nền nông nghiệp Việt Nam rõ ràng không nhỏ. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Có thể xem việc thương lái nước ngoài sử dụng nhiều mánh khóe, để thu mua các mặt hàng nông sản "quái lạ" là hành động phá hoại nền kinh tế nước nhà. Như vậy, việc này không thể xem thường! Rõ ràng đã có lỗ hổng trong tổ chức điều hành thị trường của các cơ quan chức năng và sự buông lỏng trong việc kiểm soát của chính quyền địa phương. Nếu không khẩn trương bịt những lỗ hổng đó, không chỉ bà con nông dân mà cả ngành Nông nghiệp cũng phải gánh chịu những hệ lụy khó mà kể hết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.