Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiêu thức lừa đảo tinh vi

Hương Thủy| 23/10/2021 07:25

(HNM) - Gần đây, tình trạng giả mạo tin nhắn của các ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trở lại. Đáng nói, dù đây là hình thức cũ nhưng đối tượng lừa đảo có thủ đoạn tinh vi hơn nên vẫn có người mắc bẫy. Đó là bằng nhiều chiêu thức, tin nhắn lừa đảo mà khách hàng nhận được hiện rõ thương hiệu của ngân hàng, gắn với nội dung như thông báo tài khoản của khách hàng bị khóa cần phải mở lại, kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý.

Khi người dùng truy cập vào đường dẫn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, tổ chức… và được yêu cầu điền các thông tin như: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã mật khẩu sử dụng một lần (OTP)… Có được thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhiều khách hàng ở các địa phương đã bị lừa đảo, mất số tiền lớn theo phương thức trên. Một số ngân hàng đã gửi khuyến cáo về hình thức lừa đảo này để cảnh báo khách hàng của mình.

Trước thực trạng này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng, tổ chức; không vội trả lời hoặc thực hiện theo nội dung trong tin nhắn. Khi nhận được những tin nhắn nghi vấn, nội dung không rõ ràng, người tiêu dùng có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, tổ chức để kiểm tra thông tin; phản ánh các tin nhắn này tới ngân hàng, tổ chức và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần lưu ý thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiêu thức lừa đảo tinh vi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.