(HNMO)- Tiếp nối thành công từ chương trình năm 2011 dành cho khán giả những huyện ngoại thành các thành phố lớn, CGV đã hợp tác cùng Hiệp hội điện ảnh Mỹ MPA và công ty Wepro, Yeah1 TV tổ chức chương trình “Điện ảnh cho mọi người 2014” dành cho sinh viên tại 8 tỉnh thành trong cả nước.
Chương trình sẽ chiếu phim hoàn toàn miễn phí cho sinh viên từ ngày 21/11 đến hết ngày 5/12/2014 tại 8 tỉnh gồm: Đăk Lăk, Lâm Đồng, Nha Trang, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên, An Giang, Ninh Thuận. Đây là những khán giả yêu điện ảnh đầy tiềm năng, với học thức và độ trưởng thành nhất định của tuổi đời, các bạn sinh viên sẽ góp phần định hướng phông văn hóa (cultural background) cho các thế hệ tương lai.
Chương trình “Điện ảnh cho mọi người 2014” năm nay, các bạn sinh viên sẽ có dịp thưởng thức bộ phim Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong thời gian vừa qua: “Thần tượng”. Bộ phim kể câu chuyện về Linh, một cô gái có giọng hát thiên phú nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến việc đứng trên sân khấu, vì mẹ Linh rất khắt khe. Dẫu vậy, trong sâu thẳm trái tim, đó là ước mơ, niềm đam mê của Linh. Những tưởng cuộc đời Linh sẽ xuôi theo sự sắp đặt của mẹ: một công việc văn phòng ổn định nhưng rồi Linh gặp Trí. Bằng sự thuyết phục kiên trì, Trí đã xóa bỏ nỗi ác cảm với giới “bầu show” và nghệ sĩ mà mẹ Linh đã gieo vào lòng cô. Và anh đánh thức khả năng âm nhạc tiềm ẩn trong Linh, huấn luyện cô trở thành một ca sĩ chân chính.
Cảnh trong phim "Thần tượng" |
Cùng thông điệp chính: Bỏ học để trở thành thần tượng - một suy nghĩ sai lầm, ekip làm phim muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng trở thành Thần tượng không phải là con đường duy nhất để thể hiện năng khiếu, đam mê nghệ thuật, mà kiến thức luôn là yêu cầu quan trọng trong xã hội, và với showbiz cũng không ngoại lệ. Thông điệp của bộ phim càng trở nên ý nghĩa hơn khi sát cánh cùng thông điệp và hình ảnh của Điện ảnh cho mọi người 2014: Đôi cánh của khát vọng và mơ ước sẽ mang tình yêu điện ảnh đến với mọi người ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước hình chữ S, hứa hẹn sẽ mang đến một chương trình nhiều cảm hứng và động lực cho các bạn sinh viên.
Cùng tham gia với chương trình lần này của CGV tại Đà Lạt và Hải Dương là các đại sứ Hoàng Thùy Linh, Hứa Vĩ Văn cũng chính là các nhân vật chính của bộ phim.Tại các địa điểm này, các bạn sinh viên sẽ được gặp gỡ và trò chuyện thêm về quá trình làm phim cũng những câu chuyện hậu trường thú vị từ các diễn viên. Ngoài ra, tại mỗi trường Đại học mà chương trình đi qua, 10 suất học bổng mỗi xuất trị giá 2 triệu đồng sẽ được CGV trao cho 10 bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã đạt thành tích tốt trong học tập như một lời động viên, tiếp sức cho các bạn sinh viên tiếp tục hành trình chinh phục tri thức.
Không chỉ dừng lại ở đó, với chương trình lần này, CGV còn kết hợp với Hiệp hội điện ảnh Mỹ MPA để chia sẻ các kiến thức chung về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm và các sản phẩm trí tuệ, cũng như nâng cao ý thức trong vấn đề bảo vệ bản quyền cho các bạn sinh viên. Bà Susan Lee, đại diện phía MPA cho biết: “Việt Nam, 1 trong số những nước châu Á phát triển năng động nhất trên thế giới, có vai trò rất quan trọng đối với MPA bởi chúng tôi làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh và khán giả Việt nam để thúc đẩy sự sáng tạo hơn nữa thông qua việc bảo vệ bản quyền. Quan trọng hơn, MPA nhận ra rằng những nghệ sĩ sáng tạo và tất cả những nhân viên làm việc đằng sau hậu trường trong bộ phim điện ảnh và phim truyền hình dựa vào bảo vệ bản quyền để kiếm sống.Từ khi gia nhập công ước Bern vào năm 2004, chúng ta tự hào rằng Việt Nam có thể làm nhiều hơn trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nghệ sĩ ở Việt Nam và trên thế giới. MPA rất vinh hạnh được đồng hành cùng CGV Việt Nam trong chương trình “Điện ảnh cho mọi người”, hướng đến đối tượng sinh viên để họ có thể trở thành những đại sứ về bảo vệ quyền tác giả trong cộng đồng của họ và xa hơn thế nữa.”
Ông Dong Won Kwak- CEO CủaCJ CGV Việt Nam chia sẻ cảm nhận về chương trình năm nay: “Năm nay chúng tôi rất hân hạnh được có các bạn sinh viên là “khách quý” của món ngon “Điện ảnh cho mọi người 2014”. Tôi đặc biệt thích thú với việc lựa chọn “Thần tượng”- một bộ phim về khát vọng và hoài bão chinh phục ước mơ của các bạn trẻ, bất chấp những định kiến vốn có của xã hội. Tôi còn đặc biệt thích thú hơn nữa với việc được trao đổi và trò chuyện với các cá nhân trẻ tuổi tại các tỉnh thành xa xôi củaTổ quốc về ước mơ của họ, về cách nhìn nhận của họ với vấn đề bản quyền, để xem họ đang mơ gì, nghĩ gì và phản biện như thế nào. CGV hy vọng chương trình nhỏ này của mình sẽ thắp sáng những ngọn lửa lớn cho tình yêu điện ảnh của các bạn sinh viên.”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.