Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến tranh chỉ còn là ký ức: Người viết huyền thoại Vũng Rô

Đức Trường| 25/04/2015 07:32

(HNM) - Vị thuyền trưởng năm xưa kể lại rành mạch ba lần vận chuyển vũ khí, lương thực vào bến Vũng Rô an toàn, góp phần tạo nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.


Trung tá Hồ Đắc Thạnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề đi biển ở một xóm chài ven biển Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), nay là Phường 3, thành phố Tuy Hòa. Như bao chàng trai đất Việt thời đó, ông đi bộ đội từ khi còn rất trẻ, đến năm 1958, được chuyển sang học Trường 45 thuộc Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của Bộ Tư lệnh Hải quân ngày nay. Sau đó, ông được biên chế về Đoàn 759 - Đoàn tàu không số, tiền thân của Lữ đoàn 125 bây giờ, thuộc Bộ tổng Tham mưu.

Phóng viên Báo Hànộimới trò chuyện với Trung tá Hồ Đắc Thạnh.


Trong 12 chuyến làm thuyền trưởng vận chuyển vũ khí, đạn dược vào miền Nam, ông Thạnh nhớ nhất 3 chuyến tàu cặp bến Vũng Rô an toàn chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 1964 đầu năm 1965.

Chuyến đầu tiên, ông Thạnh đưa tàu vào Vũng Rô an toàn là tối 28-11-1964. "Trưa hôm đó, tàu đang chạy ở vĩ tuyến ngang với vịnh Vũng Rô thuộc hải phận quốc tế thì tôi cho tàu chạy thẳng vào vịnh", ông nhớ lại, "đến tối tàu vào Bãi Chùa an toàn". Nhưng vì số lượng vũ khí quá lớn (hơn 63 tấn), du kích và bộ đội địa phương không thể bốc dỡ hết trong đêm nên ông cùng anh em phải ngụy trang bằng cách đỗ tàu sát vách núi đá rồi dùng lưới pháo dăng từ chân núi xuống che kín con tàu. Núi và tàu tạo thành một khối nên máy bay tuần tra của địch không thể phát hiện được. Đêm sau, ông cho tàu cặp Bãi Chính sớm hơn và đến 3 giờ sáng toàn bộ 63 tấn vũ khí, đạn dược của hậu phương miền Bắc đã được bốc dỡ và giao cho quân và dân Phú Yên. Rồi ông nhanh chóng cho tàu quay ra hải phận quốc tế trước khi trời sáng. Chuyến hàng đầu tiên an toàn tạo sự tin tưởng cho cấp trên về một con đường vận chuyển vũ khí đến Phú Yên.

Trở ra Bắc chỉ kịp nghỉ ngơi ít ngày lại nhận lệnh đi tiếp chuyến thứ hai và tàu của ông trở lại Vũng Rô ngày 25-12-1964, đúng Nôen. Thuyền trưởng Thạnh cho tàu neo lại một ngày để bốc dỡ vũ khí, đạn dược và chuyến hàng này, ngoài 63 tấn vũ khí, tàu 41 còn đưa vào thêm 4 cán bộ chi viện và 3 tấn gạo cho đơn vị bến. Và điều làm ông bất ngờ là cán bộ phụ trách bến Vũng Rô lại chính là thầy dạy ông hồi tiểu học. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đầy cảm xúc và một người ở lại, một người trở ra Bắc vì nhiệm vụ đang chờ.

Khi về Hải Phòng an toàn, ông Thạnh lại nhận lệnh, tranh thủ sơ hở của địch tiếp tục chở vũ khí vào chiến trường miền Trung. Và trong chuyến đi này, cấp trên cho phép tàu 41 đón Giao thừa ngay tại Vũng Rô. Vì thế, anh em thủy thủ trên tàu chuẩn bị cả bánh tét, hoa đào, trà Thái Nguyên, bia Trúc Bạch, thuốc lá Điện Biên (được bóc hết nhãn mác) để ăn Tết. Đúng Giao thừa (31-1-1965), tàu vào vịnh Vũng Rô, qua Đài Tiếng nói Việt Nam mở nhỏ, các chiến sĩ xúc động nghe Bác Hồ chúc Tết. Tàu 41 phải neo lại 2 đêm mới bốc dỡ hết hàng.

Trong lúc đang liên hoan đón Tết, một nữ giải phóng quân tên là Nguyễn Thị Tản đưa cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh một nắm đất bọc trong chiếc khăn mùi xoa. Ông Thạnh nhớ như in những lời chị Tản: "Em xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu các anh đi ra Bắc. Xin hứa với các anh, với Đảng và Bác Hồ, dù mảnh đất này bom cày, đạn xới nhiều lần nhưng chúng em vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng vì đã có vũ khí của Đảng, của Bác từ miền Bắc chi viện". Ông Thạnh cùng 20 thuyền viên nâng niu nắm đất chuyền qua tay nhau và mang về Bắc an toàn. Giờ nắm đất của Vũng Rô, của Phú Yên ngày nào đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân. Sau này, hình ảnh nữ giải phóng quân Nguyễn Thị Tản trao nắm đất quê hương cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã được tái hiện bằng bức điêu khắc đồng đặt tại Nhà truyền thống Lữ đoàn 125 Anh hùng.

Trở về với quê hương

Gặp thuyền trưởng anh hùng ngày nào, nghe ông kể chuyện, ngắm nghía phong thái của ông, không ai ngờ rằng ông đã phải rời quân ngũ vì một cơn tai biến. Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh tiếp tục công tác tại Quân chủng Hải quân. Năm 1984, trong một đợt huấn luyện cùng Hải quân Liên Xô, ông bị một cơn tai biến. Được quân y tận tình cứu chữa, sức khỏe phục hồi nhưng không đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ quân đội. Khi nghỉ hưu, ông mang quân hàm Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân.

Trở về cuộc sống đời thường với người vợ thủy chung ở thành phố Quy Nhơn. Vợ ông là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1966, sau chuyến tàu lần thứ 11 chở vũ khí, đạn dược vào miền Nam, ông Thạnh trở ra Bắc qua đường Trường Sơn. Sau những ngày tháng trèo đèo lội suối gian nan và hiểm nguy, ông về đến Hà Nội đầu năm 1967. Sau vài tháng an dưỡng, ông cưới vợ. Đám cưới của anh sĩ quan hải quân với cô giáo diễn ra giản dị, tại cơ quan ở phố Lý Nam Đế trong ánh đèn dầu vì hôm đó máy bay Mỹ đánh phá cầu Long Biên.

Căn nhà rộng rãi thoáng mát ở thành phố Tuy Hòa hiện nay do hai người con gái xây tặng vợ chồng ông. Biết tính cha, hai người con bàn nhau mua đất, xây nhà gần xong mới quay ra Quy Nhơn "bắt cóc" bố mẹ
về. Trước tấm lòng của các con, vị thuyền trưởng anh hùng thu xếp đồ đạc cùng vợ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Ở tuổi 82 nhưng ông vẫn giữ thói quen rèn luyện sức khỏe của quân đội, sáng nào cũng dậy từ 5 giờ rồi đi bộ gần 2 cây số ra bãi biển tập thể dục. Và cũng nhờ tập đều đặn, những di chứng do cơn tai biến 30 năm trước giờ gần như không còn. Sức khỏe ổn định, khi rảnh rỗi ông chăm sóc vườn cây và mấy giò phong lan. Thỉnh thoảng, ông lại đến Vũng Rô, đúng vị trí con tàu 41 đã cặp bến năm xưa và thăm thủy thủ Lê Kim Tự 87 tuổi ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên). Có một điều làm tôi kính trọng ông ngoài những chiến công là dù đã nghỉ hưu từ lâu nhưng ông vẫn mang tâm thế của một người lính sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, hừng hực khi nói về biển cả. Ông Thạnh dự định sẽ quay lại bãi ngang ở Đức Phổ (Quảng Ngãi), nơi ông là người thử nghiệm thành công, đưa tàu chở vũ khí vào thẳng bãi ngang vào năm 1966 rồi quay ra Bắc bằng đường Trường Sơn. Ông quay lại đây là để lo thủ tục công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang cho các đồng đội đã hy sinh.

Nhắc đến Vũng Rô, người thuyền trưởng anh hùng vô cùng hào hứng. Ông chỉ rõ những ưu điểm, Vũng Rô là một cảng khuất gió, được núi bao quanh, vịnh nước sâu, tàu các loại đều vào được và không phụ thuộc vào thủy triều. Ông mong mỏi cảng Vũng Rô ngày nào là nơi tập kết vũ khí sẽ trở thành một khu lọc hóa dầu tầm cỡ khu vực để góp phần phát triển kinh tế cho quê hương.

Vũng Rô những năm 60 của thế kỷ trước không có người ở. Vũng Rô của những năm đầu thế kỷ XXI là một làng chài nuôi hải sản lồng bè phát triển ngay cạnh Bia di tích Đoàn tàu không số. Vũng Rô của tương lai sẽ là một nhà máy lọc dầu lớn với công suất 8 triệu tấn/năm. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ xuất xưởng gần 2 triệu tấn xăng Ron 95, khoảng 325.000 tấn xăng máy bay, gần 2,3 triệu tấn dầu diesel và một số sản phẩm khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiến tranh chỉ còn là ký ức: Người viết huyền thoại Vũng Rô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.