Văn nghệ

Để văn học mạng "đơm hoa, kết trái": Mở ra nhiều cơ hội cho người viết

Hạ Yến (tổng hợp) 25/02/2024 - 16:56

Thế giới phẳng đang mở ra nhiều cơ hội kết nối, trong đó có kết nối về văn chương, với cả người viết lẫn người đọc. Hànộimới Cuối tuần ghi lại một số ý kiến của các nhà văn về văn học mạng và sự kết nối văn chương qua không gian mạng.

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội:
Cơ hội lớn cho các cây bút trẻ

yk-vinh-huynh.jpg

Ngày nay, người viết đang có nhiều cơ hội, nhiều sân chơi, họ có thể tự do đăng đàn và lan tỏa trên mạng các bài viết từ ngắn tới dài, thậm chí là trường thiên tiểu thuyết nhiều tập mà không qua một cơ chế biên tập kiểm duyệt nào. Người viết tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình, cả về chất lượng cũng như mọi vấn đề khác (ngoại trừ quy định của nhà mạng). Điều này khiến mỗi tác giả chính là một start up, họ tạo nên những cộng đồng fan độc giả của chính mình từ ít tới nhiều, ở cả trong và ngoài nước. Đây là cơ hội lớn đối với hầu hết các cây bút trẻ, giúp thoải mái sáng tác, nỗ lực bứt phá, tự gây dựng thương hiệu và khẳng định mình. Chính điều này khiến giới trẻ người người viết văn, nhà nhà viết văn. Khảo sát sơ bộ từ một số nhóm bút, CLB, diễn đàn... cho thấy rõ nhu cầu học viết văn theo kiểu “lò luyện hộc tốc”.

Có rất nhiều cách phối hợp của nhiều người viết (bao gồm cả độc giả): Viết kiểu tiếp sức chương hồi, có tác giả đang viết dở, bận việc bèn bàn giao cho người “cùng cạ” viết tiếp, tác phẩm được viết trên cơ sở ý tưởng do “chủ sới” đặt ra; viết lại theo ý người viết dựa trên các tác phẩm nổi tiếng (gần như phóng tác); cấu trúc truyện theo lối mở có khả năng vẫy gọi người đọc đồng sáng tạo...

Nhiều người lo ngại và cảnh báo về sự độc hại, suy đồi, vàng thau lẫn lộn nhưng tôi cho rằng, quy luật khắc nghiệt của chọn lọc xã hội, bàn tay vô hình của thị trường sẽ gạn đục khơi trong, khắc phục những khiếm khuyết, và chỉ những tác phẩm có giá trị thực sự mới sống cùng thời gian.

Nhà văn Đức Anh:
Tận dụng thế mạnh môi trường cầu nối truyền thông mạng

yk-duc-anh.jpg

Khi mạng xã hội bùng nổ, việc kết nối và truyền tải thông tin chưa bao giờ trở nên dễ dàng đến vậy. Nhờ vào sự tiện lợi và khả năng kết nối vô hạn của mạng xã hội, các tác giả hiện đại có cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với hàng triệu độc giả chỉ trong một vài thao tác. Những thao tác ấy giờ không còn đơn giản nữa, mà đã dần định hình, trở thành chiến lược đầu tư riêng của các tác giả văn học, đặc biệt là các tác giả trẻ.

Khác với suy nghĩ truyền thống là sau khi có sản phẩm văn chương, các tác giả, nhà xuất bản sẽ sử dụng truyền thông mạng để quảng bá tác phẩm, giờ đây, việc ứng dụng truyền thông mạng hiện đã ở cấp độ sâu sắc hơn nhiều, với rất nhiều bước khác nhau: Hiển thị nội dung bản thảo giúp tác phẩm tiếp cận với nhiều người, quy tụ độc giả tiềm năng về một cộng đồng, giúp họ tương tác và thưởng thức tác phẩm, gia tăng những trải nghiệm tốt cho họ xung quanh tác phẩm, và cuối cùng là khiến cho họ ra quyết định mua ấn phẩm. Trong những năm gần đây, rất nhiều tác giả đã gặt hái thành công nhờ mô hình này. Các tác phẩm được in của họ là kết quả của một quá trình quảng bá lâu dài, đa kênh, đa hình thức và là sản phẩm cuối cùng của mối liên kết chặt chẽ giữa họ và độc giả, thông qua truyền thông mạng xã hội.

Có một dòng chảy của tiểu thuyết Việt trong những năm vừa qua mà ở đó, các tác giả trưởng thành từ môi trường văn học mạng. Con đường dễ thấy nhất đi theo 4 bước: Sáng tác (và quảng bá) tác phẩm văn học mạng; xây dựng cộng đồng độc giả tiềm năng và “chăm sóc” họ; quảng bá tác phẩm qua các kênh mạng xã hội khác dưới hình thức sản phẩm nghe nhìn phái sinh; tiếp cận các đơn vị xuất bản để chào bán tác phẩm.

Môi trường truyền thông mạng trở thành cầu nối để văn bản văn học mạng trở thành văn học “chính thống” dưới hình thức xuất bản phẩm. Chính vì thế, các tác giả nhanh chóng đầu tư công sức và thời gian cho chiếc cầu nối này. Trường hợp đáng kể nhất, có thể gọi là hiện tượng, đó là Doo Vandenis, một nữ tác giả trinh thám giả tưởng thuộc thế hệ Z, đã xây dựng kênh TikTok của riêng mình sau khi nhận được những phản hồi tốt từ tác phẩm “17 âm 1” của cô. Qua kênh truyền thông này, cô và đội ngũ xây dựng những đoạn phim ngắn khai thác các tình tiết trong truyện, đồng thời trải lòng về quá trình viết... Tất cả tạo nên một hình ảnh đồng nhất về việc ở đâu đó trên không gian mạng đang có một tác phẩm thực sự hấp dẫn chờ đợi độc giả, và tác phẩm đó sắp được in thành sách. Các video của cô thu hút hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Sách được tái bản chỉ sau 3 ngày, nhờ lượng ủng hộ từ các độc giả đã theo dõi kênh.

Nhà văn, dịch giả Nhật Phi:
Nhiều mảng đề tài lớn trong các tác phẩm nghiệp dư

yk-nhat-phi-1.jpg

Chưa bao giờ trong lịch sử, những người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Chỉ cần để ý trên các mạng xã hội, rất dễ dàng bắt gặp nhiều group, những cộng đồng người sáng tác, ở đủ các thể loại, đề tài, đủ các mức độ chất lượng. Những người viết trên mạng thường là rất trẻ, có những bạn còn đang là học sinh THCS. Niềm yêu thích viết của họ tới từ sự đọc, và đọc gì thì viết nấy, bản năng và ít nhiều tùy tiện. Nhưng cá nhân tôi ngày xưa cũng như vậy.

Mạng xã hội, trong văn chương cũng như trong hầu hết các lĩnh vực khác, đang dần trở thành một hệ thống “dân gian” mới, cập nhật nhanh hơn và lan truyền rộng hơn, mà trong đó sẽ có những điều ở lại và đóng góp vào bức tranh văn hóa chung của cả một dân tộc, cũng như cách mà dân gian đã vận hành hàng ngàn năm nay, tương tự như vũ trụ kỳ ảo mà J.J Tolkien đã phát triển tới gần như hoàn chỉnh từ các tư liệu dân gian mà vẫn còn được ứng dụng cho tới ngày nay.

Nền văn học của chúng ta ngày nay thiếu nhiều mảng miếng, thể loại, đề tài từng được coi là “cận văn học” hay “á văn học”, trong khi có thể bắt gặp nhiều mảng đề tài lớn trong các tác phẩm nghiệp dư của văn học mạng như giả tưởng hậu tận thế, kỳ ảo sử thi... Sự thoát ly hiện thực tất yếu của tác giả trẻ, cộng với một cộng đồng đã không còn ngại đọc truyện dài, không ngại chờ đợi, cho chúng ta hy vọng về một thế hệ người viết mới sẽ mang tới những tác phẩm có thể đã lỗi thời đối với thế giới nhưng lại là sự bổ sung cần thiết cho nền văn học Việt Nam.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, khi mạng xã hội đã kiến tạo ra cả một xã hội mạng, chúng ta cần có cách tiếp cận không chỉ cởi mở hơn mà còn phải chủ động hơn trên không gian mạng. Những tuyên ngôn đao búa, cao vời đang đẩy đại chúng, đặc biệt là người trẻ, ra xa hơn khỏi văn chương. Cần nhìn nhận các tác giả văn học mạng ấy là những người viết, người kể chuyện, người tìm cách biểu đạt mình bằng con chữ. Ta cũng có thể chủ động dẫn dắt họ, từng bước giúp họ nâng cao năng lực cũng như nhận thức sáng tác thay vì những lời khuyên giáo điều. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng bao dung. Thành tựu và cống hiến trong nghề văn vẫn cứ là cái duyên của mỗi người, nhưng nếu như tôi đã thấy quá khứ của mình trong các bạn ấy thì tại sao không để họ thấy tương lai của mình trong chúng ta?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để văn học mạng "đơm hoa, kết trái": Mở ra nhiều cơ hội cho người viết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.