Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ Báo cáo Chỉ số tiếp cận Dinh dưỡng 2016 (ATNI 2016)

PGS. TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam| 07/07/2016 18:56

Luật Quảng cáo 2012 đã được triển khai gần bốn năm và Nghị định 100/2014/NĐ-CP cũng đã được áp dụng gần hai năm qua, do vậy, đây là thời điểm thích hợp để Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan bắt đầu thực hiện đánh giá tình hình thực hiện các quy định pháp luật này cũng như tính hiệu quả của chúng trong việc giúp nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam.

Tại Hội thảo chia sẻ Báo cáo Chỉ số Tiếp cận Dinh dưỡng 2016 (ATNI 2016) do Tập đoàn Westat thực hiện (ngày 5/7) theo yêu cầu của Quỹ tiếp cận dinh dưỡng (ATNF) với mục tiêu đánh giá về tình hình thực thi Bộ Quy tắc quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ (gọi tắt là “Bộ Quy tắc WHO”). PGS. TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có bài tham luận quan trọng, chúng tôi xin đăng lại toàn văn:


"Theo quan sát của Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc thực thi Nghị định 100 và các văn bản hướng dẫn liên quan của các doanh nghiệp trong những năm trở lại đây là rất tốt, đã được cải thiện hơn nhiều so với thời điểm cách đây 10 – 15 năm.

Về phía Hiệp hội Sữa Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu Báo cáo ATNI 2016 và xin có ý kiến sơ bộ như sau:
Thứ nhất, chúng tôi xin lưu ý rằng Báo cáo ATNI 2016 đánh giá tình hình thực thi Bộ Quy tắc WHO, chứ không phải là đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 100 và các văn bản khác có liên quan của Chính phủ Việt Nam như tiêu đề Hội thảo ngày hôm nay. Do đó, việc dựa trên các khuyến nghị của Bộ Quy tắc WHO để đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam là không hợp lý. Trên thực tế, một số khuyến nghị của Bộ quy tắc không có trong quy định pháp luật Việt Nam, ví dụ: nhãn sản phẩm không được dùng các cụm từ “nhân cách hóa”, “vật liệu hoá” hoặc các cụm từ tương tự (Điều 9.2); hay phải ghi số lô sản xuất (Điều 9.4).

Thứ hai, thị trường sản phẩm sữa dành cho trẻ em nói chung, và thị trường sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ nói riêng, là một thi trường đa dạng, phức tạp, được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật khác nhau, về tên gọi, tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu ghi nhãn sản phẩm, vv. Do đó, việc xác định một hành vi là tuân thủ hay không, cần phải do các cơ quan nhà nước chuyên ngành xem xét, đánh giá, và đưa ra kết luận chính thức. Đối với các cáo buộc vi phạm, ví dụ như hiếu thông tin hướng dẫn pha chế đúng cách sản phẩm (trang 5-20), rất mong các tác giả Báo cáo cung cấp bằng chứng, hình ảnh minh họa cụ thể cho các bên liên quan để đánh giá. Nếu đúng là có sai phạm, doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng các kết luận trong Báo cáo có thể được coi là một nguồn thông tin tham khảo đối với các cơ quan, tổ chức liên quan, và cần được nhìn nhận dưới dạng các dấu hiệu vi phạm, thay vì vi phạm. Việc kết luận có vi phạm cần có sự đánh giá và kết luận chính thức từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cục An toàn Thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch v.v... Ví dụ, về các vi phạm liên quan đến nhãn mác (nêu tại trang 5-20), trước hết, cần lưu ý rằng nhãn sản phẩm của tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ đều dã được Bộ Y tế xét duyệt và cấp phép. Do đó, mong rằng nhóm tác giả sẽ liên hệ với Bộ Y tế, đối chiếu với các mẫu nhãn được Bộ Y tế cấp, thẩm tra xem các trường hợp vi phạm này có đúng hay không.

Thứ tư, trước khi Báo cáo chính thức công bố kết luận thì cần có sự thống nhất về các tiêu chí đánh giá được sử dụng và nếu tiêu chí chưa rõ ràng thì không nên đưa ra kết luận. Thông tin thiếu chính xác sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ:
Trang ES-6 Báo cáo ghi “Không có định nghĩa chính xác về tiêu chuẩn nào là không tuân thủ trong một số trường hợp. Một số trường hợp được ghi nhận là nằm ở vùng ‘mờ’, vì không rõ có nên coi đó là không tuân thủ hay không”. Mặc dù, các tiêu chí đánh giá chưa được làm rõ, Báo cáo vẫn gộp tất cả các trường hợp “không rõ ràng” vào nhóm “không tuân thủ”.

Trang 5-20 của Báo cáo ghi “Một số bên liên quan tin rằng chỉ có hình ảnh con người mới bị cấm; số khác tin rằng bất kỳ hình ảnh nào của những sinh vật hạnh phúc, dù là con người, động vật, hay những tạo hình khác đều không được sử dụng. Với những mục đích của nghiên cứu này, chúng tôi đã đếm tất cả các loại hình ảnh”. Theo pháp luật Việt Nam thì nhãn có “sinh vật hạnh phúc” không thể coi là vi phạm, vì Nghị định 100 không cấm hình ảnh này, mà chỉ cấm tranh vẽ trẻ nhỏ, bà mẹ cho con bú.

Do đó, chúng tôi mong muốn rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có Bộ Y tế (Cục An toàn Thực phẩm, Thanh tra Bộ), Bộ Văn hóa, Thể thao – Du lịch, vv. sẽ tiến hành thu thập, đánh giá các thông tin, bằng chứng xác thực về các dấu hiệu vi phạm nếu trong Báo cáo và đưa ra kết luận chính thức, đảm bảo sự minh bạch, ổn định của thị trường cũng như bảo vệ uy tín của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng hi vọng tất cả các đối tượng có liên quan, từ các nhà sản xuất, kinh doanh, cơ sở y tế, nhân viên y tế, các cơ quan, bộ ngành Chính phủ, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, đến các cơ quan truyền thông cùng tham gia chấp hành Nghị định 100 và các luật pháp liên quan".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ Báo cáo Chỉ số tiếp cận Dinh dưỡng 2016 (ATNI 2016)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.