(HNM) - Cách đây 100 năm, Hà Nội được thiết kế là đô thị cho khoảng 250.000 dân. Ngày nay, riêng khu vực đô thị đó đã có số dân gấp 10 lần, vì vậy bất cập, quá tải là điều không tránh khỏi, không đáng ngạc nhiên.
Làm sao có thể đòi hỏi một diện tích nhỏ hẹp, một hạ tầng giao thông thiết kế và quy hoạch cho một thành phố người dân chủ yếu là đi bộ lại phải "gồng mình" cho việc đi lại của hàng triệu dân, với hàng triệu xe máy, xe ô tô. Làm sao có thể đòi hỏi hệ thống bệnh viện, phòng khám cho nhu cầu của 25 vạn dân, đã nhiều năm bị chiến tranh, ít được sửa chữa, nâng cấp mà không nhếch nhác, quá tải. Làm sao có thể có trật tự đô thị khi đô thị đó quá tải về dân số và từ dân số dẫn đến quá tải nhiều lĩnh vực khác? Vì vậy, với Hà Nội hiện nay, vấn đề chủ yếu là quản lý chặt chẽ về dân số và quan trọng hơn là các giải pháp giãn dân để giảm mật độ dân cư trong khu vực nội đô. Chỉ có giảm mật độ dân cư mới giảm được áp lực về giao thông, y tế, giáo dục, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường… Có thể nói, mật độ dân số là chìa khóa quyết định cho những việc khác.
Muốn giãn dân trước hết phải có quỹ đất. Sau khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, quỹ đất đã khá dồi dào, thuận lợi cho việc mở rộng thành phố, giãn dân và giãn cả cơ quan, bệnh viện, trường học, mở rộng chợ búa. Trên thực tế, Hà Nội đã làm được nhiều và thành phố rõ ràng đã khang trang hơn. Tuy thế, vẫn chưa làm được 2 việc, đó là làm sao để người cần nhà có nhà và chấp nhận ở xa trung tâm. Làm sao để người nghèo mua được nhà, người ta bàn nhiều rồi. Xin bàn đến việc làm sao để người có nhà yên tâm ở xa trung tâm. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, ở cách trung tâm thành phố 15km trở ra, có thể nói là xa. Xa vì thiếu phương tiện đi lại nhanh, rẻ và an toàn. Xa vì thiếu trường học, bệnh viện, chợ… Xa vì không gần nơi làm việc hằng ngày. Xa vì thiếu các cơ sở văn hóa, thông tin và phúc lợi công cộng…
Vậy phải đưa cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… ra khỏi trung tâm thành phố, bám lấy các đô thị mới. Hà Nội sẽ tốn thêm nhiều nghìn tỷ đồng nhưng bù lại sẽ giãn được từ 1 đến 2 triệu người. Lợi ích đã rõ trên lý thuyết và chính quyền thành phố đã xúc tiến việc này. Hàng chục cơ quan, bệnh viện, trường học đã được xây dựng mới khang trang. Nhưng rồi lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết. Thực tế chứng minh không vì thế mà Hà Nội rộng rãi, bớt người, dư diện tích hơn. Đã có vài bộ, vài bệnh viện, vài trường xây dựng trụ sở mới như một dãy phố hoành tráng ở ngoài khu vực trung tâm nhưng trụ sở cũ vẫn giữ nguyên. Có một nguyên nhân là vẫn nhiều người không muốn xa trung tâm thành phố, nơi có hạ tầng hơn hẳn vùng ngoại thành cũ.
Muốn hạ tỷ lệ dân số, vừa giãn dân vừa phải có biện pháp hạn chế người nhập cư vào Hà Nội. Sau rất nhiều khó khăn, cũng đã đưa được điều khoản quy định về nhập cư vào Luật Thủ đô nhưng cho đến nay, hiệu quả của luật cũng chưa được phát huy như mong đợi. Thế là cả giãn dân ra và ngăn dân vào đều gặp trở ngại. Đó là vướng mắc lớn nhất trong mọi vướng mắc để Hà Nội sang, xanh, sạch, đẹp như ước muốn hiện nay.
Vậy thử đưa ra một lời bàn, khi đã xác định như thế thì tập trung thực hiện, không rải mành mành như bấy lâu nữa. Ưu tiên tập trung nguồn lực cho việc giãn dân thôi, sẽ tháo gỡ được nhiều việc khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.