Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chìa khóa” để đột phá

Bắc Vũ| 31/01/2021 06:04

(HNM) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục - quốc sách hàng đầu của đất nước. Nhờ vậy, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2016-2020 đã có những dấu ấn đáng tự hào. Kết quả nổi bật là chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được các nước, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Sự thay đổi tích cực trong thời gian qua phải kể đến công tác đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng ở tất cả các cấp học ngày càng chất lượng, thực chất, góp phần giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học “tủ” ở cấp phổ thông. Bên cạnh đó, tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Công tác đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; việc hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm hơn… Một điểm sáng khác là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi trong các hoạt động quản lý, dạy và học trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quá trình liên tục, như dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định, đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong nhiệm kỳ tới. Do vậy, cần có sự tham gia của toàn dân, toàn hệ thống chính trị.

Theo đó, các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, trong đó gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính. Tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục - đào tạo và các địa phương.

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với điều kiện về nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục - đào tạo. Đồng thời, tập trung bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện…

Thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Do đó, cần tiếp tục bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng lộ trình và thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo quy định… Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục cũng phải được đặt ra với yêu cầu cao hơn, mạnh mẽ hơn. Đây là việc làm rất cần thiết để góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo hiện nay.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thực sự là “chìa khóa” để ngành Giáo dục tạo đột phá, đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chìa khóa” để đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.