(HNM) -
GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc Bệnh viện K) là cái tên không còn xa lạ trong giới chuyên môn cũng như người yêu thích thơ văn. Trước "Bóng thời gian", thầy thuốc Nguyễn Bá Đức từng có 4 tập thơ "Nhật ký và đối thoại", "Mùa xuân cuộc đời", "Điều kỳ diệu", "Hoa và người" - lần lượt được ấn hành bởi các NXB: Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà văn, Văn học. Ông cũng là tác giả của bài thơ "Về Đà Nẵng" - tác phẩm đã được phổ nhạc và được ca sĩ Anh Thơ thể hiện trên sóng VTV1. Và giờ đây, qua "Bóng thời gian" với 45 bài thơ thuộc nhiều thể loại, ta cảm nhận rõ hơn sự hòa quyện nhà thơ - thầy thuốc trong tâm hồn GS Nguyễn Bá Đức. Dù là viết về đề tài gì, thể loại thơ nào thì những vần thơ trong "Bóng thời gian" cũng đều giản dị, mang đến cho người đọc những cảm xúc tích cực. Sự nhân hậu, lòng yêu cuộc sống, yêu gia đình lan tỏa trong nhiều tác phẩm và quan trọng hơn, chúng không đến với bạn đọc một cách dễ dãi.
Ông phác họa về thác nước "Gom triệu hạt mưa rơi/Núi rừng vang câu hát/Những cung bậc cuộc đời/Bản tình ca của thác" để gửi gắm cái tình "Nơi đại ngàn bát ngát/Giữa bao la đất trời/Trong nguyên sơ ánh mắt/Anh say rồi em ơi". Trong bài "Bức tranh", ông ví cuộc đời như tấm thảm mà ta hay nhìn từ mặt trái, nhưng chính những đường kim mũi chỉ từ phía ấy đã dệt nên kiệt tác đời mình. Để từ đây, thầy thuốc - nhà thơ nhắn nhủ: "Anh ngắm em dưới ánh bình minh/Từng nét nguyên sơ của thời thơ dại/Như cuộc sống nhìn từ mặt phải/Lung linh nguyên vẹn bức tranh đời". Bên cạnh đó, ông có những bài thơ về người bạn đời mà ở đó, từng câu chữ thể hiện rõ sự chân thành, sâu sắc: "Anh mắc nợ em, nợ rất nhiều/Làm sao trả được nỗi thương yêu/Vạn bài thơ viết chưa trả hết/Về đóa tình yêu nở một chiều..."?
Qua thơ, thầy thuốc Nguyễn Bá Đức cũng thể hiện những nét nhìn đời sống dí dỏm, hồn hậu và thấm đẫm tình yêu sau mỗi tiếng cười: "Con gái lấy chồng thì mẹ "mất" con/Con gái đẻ con thì ông "mất" vợ...". Kể về đứa cháu, ông ghi: "Cháu chúc ông năm nay/Nhiều bạn bè yêu thích/Không mải chơi mải nghịch/Cũng được cô giáo khen". Trong bài "Nữ thần tự do", từ chuyện xa của nhân loại ông kéo lại chuyện mỗi nhà, thay vì "lạt mềm", ông dùng "Tóc mềm buộc chặt dần dần/Mỗi ông có một "Nữ thần tự do"...
Càng nhân hậu, càng biết yêu thương, nhà thơ càng thấy "đau đời" trước những điều giả dối, trước thói nhũng nhiễu, lối sống xa hoa. Bài thơ "Tiền chùa" (nhân vụ xử hai quan chức sát phạt nhau trong ván cờ 5 tỷ) thuộc thể thơ thất ngôn bát cú, giống như một lời than của người thấu hiểu cuộc đời. Cũng trong mảng thơ chiêm nghiệm về đời sống, thấy rõ nhiều bài có tính phát hiện như "Hoa súng", "Hoa bìm bìm" với những cảm thức thú vị từ hoa mà nghĩ đến lẽ sống của con người.
Có thể nói, không gì quý hơn niềm ham sống, tình yêu đời mà người thầy thuốc truyền đến cho bệnh nhân. Và ở đây, thơ ca không phải là thứ dùng để đánh bóng tên tuổi, nó giúp bày tỏ tâm hồn nhạy cảm, nhân hậu của người làm nghề "chữa bệnh cứu người" và bồi đắp cho tâm hồn nhân hậu ấy được mãi đẹp đẽ. "Bóng thời gian", xét cho cùng đã gửi gắm tình yêu đời tha thiết của thầy thuốc - nhà thơ Nguyễn Bá Đức: "Thời gian hỏi có màu gì/Mà in trong bóng người đi sớm chiều" và "Chỉ còn mãi với thời gian/Tình yêu từ thủa hồng hoang dại khờ"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.