(HNM) - Tổng số điểm Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm (năm 2020 đạt 41,629 điểm, đứng thứ 48), xếp thứ 9 của cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất. Bước chuyển biến tích cực này phản ánh thành quả từ sự nỗ lực, quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI bằng những việc thiết thực của thành phố Hà Nội song cũng được chuyên gia cho rằng chưa thể lạc quan...
Quyết tâm cải thiện
Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PAPI như: Ban hành 3 văn bản liên quan đến việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI; lập tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025... Sở Nội vụ đã tổ chức 2 hội nghị bàn về các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2021. Trong năm 2021, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố đã có 536 cuộc kiểm tra, tái kiểm tra, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến Chỉ số PAPI.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, năm 2021, quận Hà Đông đã ban hành kế hoạch về giải pháp nâng cao yếu tố “cơ sở hạ tầng căn bản” (thuộc chỉ số nội dung “cung ứng dịch vụ công” trong Chỉ số PAPI). Trong đó yêu cầu các phòng chuyên môn thuộc quận tiếp tục nâng cao kỷ cương hành chính, trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”…
Tương tự, UBND thị xã Sơn Tây công khai, minh bạch các thông tin thủ tục hành chính thuộc 11 lĩnh vực quản lý tại bộ phận “một cửa” của UBND thị xã. Trong năm 2021, UBND thị xã đã tiến hành kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính tại 15 xã, phường.
Đáng chú ý, năm 2021 thành phố đã rà soát 550 thủ tục và thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục hành chính, phê duyệt 1.754 quy trình giải quyết nội bộ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Dư địa để đổi mới, cải cách còn lớn
Tổng điểm Chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm/ 80 điểm. Trong đó, chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,01/10 điểm; “công khai, minh bạch” đạt 5,93/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,33/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 7,08/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,54/10 điểm…
Có thể thấy, năm 2021, Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực khi so với năm 2020 chỉ có 2 chỉ số nội dung giảm (tham gia của người dân ở cấp cơ sở và trách nhiệm giải trình với người dân), còn 6 chỉ số nội dung tăng (công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử).
Hiện chỉ còn 1 chỉ số nội dung “quản trị môi trường” vẫn nằm trong nhóm điểm thấp nhất. Hà Nội cũng không còn nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp (năm 2020 có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm này); có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công” (năm 2020 có 2) và 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử” (năm 2020 không có chỉ số nội dung nào thuộc nhóm cao nhất).
Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 2021, Hà Nội đã có những việc làm cụ thể cho thấy sự quan tâm tới Chỉ số PAPI, đặc biệt là sự tuyên truyền tới cấp xã về nội dung này. Tuy kết quả có chuyển biến, song chưa thể lạc quan, bởi năm 2020 Hà Nội đạt 41,629 điểm, năm 2021 đạt 44,45 điểm, nhưng mức tăng vẫn dưới 5%, không có ý nghĩa về mặt thống kê…
Cùng với đó, trước đây PAPI khảo sát ở 6 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, Thường Tín, còn năm 2021 khảo sát tại các đơn vị: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ… nên kết quả không hẳn phản ánh sự tiến bộ ở các chỉ số nội dung.
“Việc phân nhóm và so sánh các tỉnh, thành phố trong báo cáo PAPI chỉ mang tính tương đối. Chỉ số PAPI không xếp hạng các địa phương bởi mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội dân số và địa lý khác nhau. Do đó, thành phố Hà Nội cần nhìn sâu vào từng chỉ tiêu chứ không phải là thứ hạng, bởi 44,45 điểm/80 điểm vẫn chỉ ở mức trung bình, tức là dư địa để đổi mới, cải cách còn lớn và cần tiếp tục phấn đấu cải thiện hơn nữa trong năm tiếp theo”, bà Đỗ Thanh Huyền nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.