(HNMO) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29-3, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2023 giảm 0,23% so với tháng trước.
So với tháng 12-2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I-2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3-2023 so với tháng trước, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.
Trong quý I-2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I-2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 3 giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I-2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I-2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý I-2023 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,69% và tăng 4,86%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,47% và tăng 4,05%; dùng cho xây dựng tăng 1,08% và tăng 3,77%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.