Xã hội

Chưa trình xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì CPI tăng dưới 20%

Bảo Hân 29/05/2024 - 18:43

Chiều 29-5, phát biểu làm rõ một số nội dung được đại biểu nêu trong ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có trao đổi tại diễn đàn Quốc hội về vấn đề giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.

hdp.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Media.quochoi.vn

Theo đó, tiếp thu kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu về việc cần kịp thời điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009, khi đó mức giảm trừ với người nộp thuế 4 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2013 nâng mức giảm trừ lên 9 triệu đồng, có nghĩa là 108 triệu đồng/năm và với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng quy định khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Ngày 2-6-2020, Quốc hội có Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng. Như vậy, hiện nay người lao động có 1 người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế, còn có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 22 triệu đồng mới nộp thuế, chưa kể trừ bảo hiểm bắt buộc.

Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy về việc lâu nay chưa trình xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết luật quy định CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, trên thực tế mức CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%. Hơn nữa, mức phải nộp thuế đang là 11 triệu đồng, cao hơn 2,2 lần thu nhập bình quân (4,96 triệu đồng), trong khi thế giới chỉ cao hơn dưới 1 lần.

“Như vậy, Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Về thời điểm trình sửa luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 10-2025 và xem xét thông qua luật vào tháng 5-2026.

“Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa dự án luật vào chương trình để xem xét ngay kỳ họp cuối năm nay thì chúng tôi sẽ chấp hành. Khi đó sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân và bộ ngành để đưa ra quy định phù hợp, trong đó có việc có nên quy định mức CPI trên 20% hay không”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

* Cũng trong chiều 29-5, phát biểu làm rõ một số nội dung được đại biểu nêu trong ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, đặc biệt chỉ ra các tồn tại, vướng mắc cần các giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 5 nhóm vấn đề lớn được Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện trong thời gian tới.

ncd.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: Media.quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, nhóm vấn đề đầu tiên là thực hiện quyết liệt và đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách bảo đảm giải quyết những vấn đề cả trong ngắn hạn và dài hạn; đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, chuẩn bị điều kiện tốt thu hút các làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, thúc đẩy các động lực truyền thống như đầu tư tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời xem xét triển khai đẩy mạnh các động lực về các mô hình kinh tế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn hay là một số các ngành mới nổi, ngành công nghiệp quan trọng như chíp bán dẫn hay năng lượng tái tạo.

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt hạ tầng chiến lược quan trọng.

“Tập trung cải cách thể chế pháp luật theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương để giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất, rõ ràng để khắc phục được tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, phát huy được tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu nhóm nội dung thứ tư.

Với nhóm vấn đề cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sơ kết, tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho 10 tỉnh, thành phố hiện nay. Với các cơ chế, chính sách đã rõ và đã phù hợp với tình hình thực tiễn và pháp luật, sẽ cho phép nhân rộng, để các địa phương khác cùng được thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa trình xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì CPI tăng dưới 20%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.