(HNM) - Theo một thống kê, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 50.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có đến hơn 26.000 cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, nhưng mới chỉ có khoảng 50% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Một con số khác, từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý khoảng 600 vụ vi phạm về chất lượng và ATVSTP; phạt hành chính gần 5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy khoảng 4,5 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, như công bố của Chi cục An toàn thực phẩm, với khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được đăng ký thì khoảng 1.400 cơ sở (7%) chưa đạt ATVSTP. Đáng quan tâm là 26% tổng số những quán ăn được chọn làm mô hình kinh doanh thức ăn đường phố điểm tại TP Hồ Chí Minh còn có nhiều vấn đề về ATVSTP… Thực tế nhiều dịch vụ ăn uống đường phố có thể hoạt động tự phát do công tác quản lý chưa đủ khả năng bao phủ nên chắc chắn những con số trên chưa phản ánh đúng thực trạng của tình hình, song phần nào cũng cho thấy sự phức tạp và thiếu an toàn của thức ăn đường phố hiện nay.
Điều đó thật nguy hiểm và không phải tới thời điểm này các cơ quan chức năng mới tuyên chiến với thức ăn đường phố không bảo đảm ATVSTP, song tiếc rằng, những biện pháp quản lý trong thời gian vừa qua chưa phát huy hiệu quả.
"Khó khăn lớn nhất trong công tác bảo đảm ATVSTP đối với thức ăn đường phố chính là do ý thức kém của người kinh doanh và của cả người tiêu dùng". Đây là lý do được nêu tại nhiều diễn đàn, điều đó là chuẩn xác nhưng sẽ là chưa đầy đủ nếu không đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Suy cho cùng, thức ăn đường phố khi tới với người tiêu dùng là "sản phẩm" của cả một quá trình chuyển hóa từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho tới chế biến nông sản, thực phẩm. Như thông tin của một quan chức Cục Quản lý ATVSTP (Bộ Y tế) cung cấp, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATVSTP và phân công trách nhiệm cụ thể và rõ ràng cho từng bộ, ngành để quản lý. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATVSTP. Bên cạnh đó, tùy từng công đoạn, mỗi bộ, ngành sẽ có chức năng quản lý chuyên biệt. Ví dụ, việc quản lý ATVSTP trong quá trình sản xuất, chưa thành phẩm sẽ do các bộ chuyên ngành giám sát quản lý. Khi đã thành sản phẩm lưu thông trên thị trường sẽ do Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm. UBND các cấp có trách nhiệm quản lý ATVSTP đường phố, thực phẩm ở chợ, thực phẩm tại các bếp ăn, nhà ăn tập thể, thực phẩm ăn liền không bao đóng gói... Tóm lại, việc "chia khúc, cắt đoạn" dẫn tới nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý, nhưng trách nhiệm cụ thể khi thức ăn đường phố không bảo đảm ATVSTP lại rất khó quy kết. Lấy thí dụ, riêng đối với một lò giết mổ, có đến 4 bộ, ngành cùng tham gia quản lý, song đến khâu cuối cùng thì lại không quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm soát.
Muốn đấu tranh hiệu quả với thức ăn đường phố không bảo đảm ATVSTP trước hết phải rõ phần việc và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý. Trong bối cảnh lực lượng còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu, Hà Nội vừa qua đã tiến hành thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về công tác này tại 10 xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng ATVSTP trên địa bàn, đồng thời đề nghị các địa phương cụ thể hóa những tiêu chí thanh tra theo từng ngành hàng, nhằm giúp cho việc thanh kiểm tra hiệu quả cũng như giúp cho chủ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có kiến thức, thực hiện tốt các quy định về ATVSTP. Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố, trong đó vừa xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các ngành cũng như chính quyền các cấp, vừa có nhiều chế tài quản lý mạnh đi kèm. Một phương pháp, cách làm mới cần có thời gian thử nghiệm, tuy nhiên có thể tin tưởng công tác quản lý thức ăn đường phố tại Hà Nội thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực vì ít nhất, khi xảy ra chuyện không bảo đảm ATVSTP cũng đã rõ trách nhiệm thuộc về ai, lực lượng nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.