(HNM) - Ngày 1-7, giá điện một lần nữa lại tăng, tính cả đợt tăng giá này, từ năm 2009 đến nay giá điện đã tăng 5 lần. Theo EVN, sở dĩ giá điện phải tăng là do giá các loại than cho sản xuất điện và các chi phí đầu vào khác đều tăng.
Với việc tăng giá bán điện 5%, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng… EVN cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 1-7 sẽ có mức độ tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ liên quan đến hàng loạt vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn và người dân chắc chắn sẽ tiếp tục tiết giảm chi tiêu.
Việc tăng giá điện sẽ kéo theo việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm đương nhiên cũng sẽ bị đội lên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình "giải quyết" sản phẩm tồn kho, sức mua nội địa lại đang giảm mạnh nên không thể tính đến chuyện tăng giá bán. Với chi phí lãi vay ngân hàng và nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành đang ở mức cao như hiện nay, thêm việc giá điện tăng, doanh nghiệp khó có thể bù đắp được chi phí. Và như vậy, việc tăng giá điện sẽ lại thêm một bài toán khó cho doanh nghiệp.
Giá điện tăng không chỉ khiến chi phí gia đình trả cho ngành điện tăng mà khi mua hàng hóa hay một dịch vụ nào đó người dân cũng phải chi trả tăng thêm do tăng giá điện. Nếu cộng lại các khoản này không thể nói là không đáng kể với nhiều gia đình công chức, chưa nói đến các đối tượng khác. Năm 2010 giá điện tăng 6,8%, điện sinh hoạt tăng lên trong khoảng 600-1.890 đồng/kWh, khi đó Bộ Công thương tính toán việc tăng giá điện sẽ kéo giảm 0,34% GDP, làm tăng chi phí của người dân 0,19-0,27%. Như vậy, việc tăng giá điện không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chưa kể việc tăng giá điện cũng khiến CPI tăng theo và hệ lụy thế nào chưa thể lường hết... Một vấn đề nữa, lần tăng giá này tương đối bất ngờ và trong bối cảnh ngành điện còn rất nhiều vấn đề trong quản lý điều hành, tái cơ cấu doanh nghiệp... thì việc công khai hơn nữa cơ cấu giá thành của EVN là hết sức cần thiết. Người dân có quyền được biết EVN đã tiết kiệm thế nào? Nợ nần rồi chuyện lương thưởng ở tập đoàn này ra sao? Đã đến lúc phải xem lại kiểu kinh doanh "lời ăn" còn lỗ thì đẩy cho các "thượng đế" là doanh nghiệp và người dân gánh chịu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.