(HNM) - Tính đến hết tháng 10 vừa qua, hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng đã được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) mua lại. Sự ra đời của VAMC được coi như
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong các đơn vị đã bán nợ cho VAMC. Ảnh: Trần Hải |
VAMC đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt từ 15 ngân hàng, trong đó có 14 ngân hàng thương mại cổ phần và một ngân hàng thương mại Nhà nước. Giá trị gốc trên sổ sách của những khoản nợ xấu này là 13.000 tỷ đồng, nhưng VAMC mua lại với giá hơn 11.000 tỷ đồng. Trong số những khoản nợ này có 67% món vay được bảo đảm bằng bất động sản.
Để mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho các ngân hàng, từ đó ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu này để được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn. Việc tái cấp vốn chỉ dành cho các TCTD trong nước, không dành cho tổ chức 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh và TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt. Mức tái cấp vốn do Thống đốc NHNN quyết định căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kết quả trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và kết quả xử lý nợ xấu nhưng không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu.
Mặc dù vẫn bán nợ xấu cho VAMC, nhưng các ngân hàng cũng chủ động xử lý các khoản nợ khi trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.970 tỷ đồng. Do đó, cho đến nay, chưa có ngân hàng nào sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn từ NHNN, có nghĩa là tình hình thanh khoản đã được cải thiện. Đại diện VAMC cho biết đang tiếp tục rà soát các hồ sơ khác để mua nợ xấu. Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 20 TCTD gửi hồ sơ bán nợ xấu cho VAMC, với đề xuất bán 38.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay, VAMC có thể xử lý khoảng 40.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trong năm 2012, toàn hệ thống ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay đã trích lập và xử lý thêm 32.000 tỷ đồng, dự kiến trong cả năm 2013 sẽ trích lập và xử lý nợ xấu khoảng 70.000 tỷ đồng. Với những con số này, trong 2 năm, các ngân hàng đã tự xử lý khoản nợ xấu chiếm 3% tổng dư nợ. Cộng với con số do VAMC triển khai cho thấy nếu không có giải pháp xử lý, nợ xấu có thể đã tăng khoảng 10%. |
Để có thể xử lý nợ xấu triệt để, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trước tiên phải từ nội lực của bản thân hệ thống TCTD. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, không thể áp dụng các giải pháp xử lý nợ xấu mà những quốc gia khác đã sử dụng. Trong thời gian qua, nợ xấu được xử lý bằng cách NHNN cho phép các TCTD có cơ chế mới trong việc cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay, tổng số nợ mà các TCTD đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này có tới khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại sẽ trở thành nợ xấu, tức là nợ xấu có nguy cơ tăng hơn 6%. Biện pháp khác là xử lý nợ thông qua trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, để xử lý được nợ xấu cần có những giải pháp đồng bộ hơn như giải quyết được nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tăng tổng cầu của nền kinh tế…
Mặc dù đánh giá cao sự ra đời của VAMC, song đại diện một số ngân hàng vẫn không khỏi lo ngại khi tỷ lệ nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng và giải pháp bán nợ cho VAMC chỉ là biện pháp kỹ thuật để xử lý "cục nợ" lớn. Trên thực tế, chỉ có một số ngân hàng có thể bán được nợ và VAMC cũng chỉ mua được một phần nhỏ nợ xấu của các ngân hàng. Vì thế, các ngân hàng không nên quá chờ đợi vào VAMC mà cần chủ động có giải pháp giãn nợ cho những doanh nghiệp có nợ xấu bằng việc đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng để cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất vốn vay. Ngoài ra, ngân hàng cũng nên có giải pháp tiết kiệm chi phí để có thể hạ lãi suất xuống mức hợp lý hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Với những biện pháp này, ngân hàng vừa có thể tăng trưởng tín dụng, vừa giảm tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.