Nông nghiệp

Hà Nội tăng cường các biện pháp bảo vệ chim hoang dã

Hoàng Văn 06/12/2023 - 12:09

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã. Đồng thời, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt, buôn bán trái phép các loài chim hoang dã, nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học.

qltt.jpg
Lực lượng kiểm lâm lập biên bản xử phạt một trường hợp bán chim hoang dã tại huyện Quốc Oai.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm

Thời gian qua, khu vực ven sông Hồng thuộc xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) hay xã Bình Minh, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai)…, người dân sử dụng lưới tàng hình, chim mồi để bẫy, bắt chim hoang dã trái phép. Còn tại xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) sau khi bẫy được chim hoang dã, người dân còn ngang nhiên giết thịt, bày bán ngay trên đường gom Đại lộ Thăng Long, gây bức xúc trong xã hội.

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, nguyên nhân là do một số đối tượng lợi dụng mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau để săn bắt, buôn bán. Trong khoảng thời gian này, các đối tượng bắt được hàng nghìn con chim hoang dã: Chim sẻ, rẽ giun, chim ngói, cò trắng, gà đồng và một số loài thuộc nhóm nguy cấp cần bảo vệ như vạc, chim diệc xanh, chim giang sen… Việc săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư đã làm suy giảm số lượng, thành phần một số loài, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, bẫy, mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật, ngày 16-11-2023, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cơ sở tăng cường công tác quản lý địa bàn, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát các tuyến phố, chợ buôn bán chim cảnh, khu vực có loài chim hoang dã di cư và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã phát hiện, lập biên bản vi phạm 4 trường hợp tàng trữ, buôn bán chim hoang dã trái phép trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Chương Mỹ, xử phạt vi phạm hành chính 65,25 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn tịch thu 46 cá thể chim hoang dã nằm trong nhóm IIB (động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm), 185 cá thể chim thuộc nhóm thông thường và 20kg bộ phận chim hoang dã...

Nâng cao nhận thức bảo vệ chim hoang dã

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, không phải đến khi xảy ra vụ việc Chi cục mới có văn bản chỉ đạo, mà hằng năm đơn vị đều tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho nhân dân. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi mua, bán, bẫy, bắt, chế tác, quảng cáo sử dụng trái pháp luật các loài động vật hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; không tham gia khai thác, vận chuyển, mua, bán các loài động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào; kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm; lập biên bản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Còn Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh chia sẻ, trước đây, các quy định quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến việc săn bắt, buôn bán các loài động vật hoang dã chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, gây ra những khó khăn cho công tác thực thi pháp luật và ngăn chặn hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã. Tuy nhiên, đến nay, các quy định của pháp luật tương đối rõ và chặt chẽ về xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP), các loài chim trời đều được coi là động vật hoang dã, người kinh doanh mặt hàng này phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Còn quy định tại Điều 21, 22 và 23 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234; tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.

Chính vì thế, tăng cường các biện pháp bảo vệ chim hoang dã là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn Hà Nội. Nhờ đó, tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đối với các loài chim hoang dã ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ được cải thiện.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Việt Nam đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó có 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường các biện pháp bảo vệ chim hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.