(HNM) - Cứ trước mỗi dịp cao điểm lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải lại yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý trạm thu phí phải xả trạm khi xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các trạm thu phí cửa ngõ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định, nhà đầu tư BOT không được để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100-150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750-1.000m. Nếu nhà đầu tư BOT không chịu xả trạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Quy định rõ ràng là vậy, song nhiều nhà đầu tư BOT lại không thực hiện nghiêm túc. Không hiếm lần, nhà đầu tư BOT viện cớ chỉ là ùn ứ kéo dài chứ chưa phải là ùn tắc nên cương quyết không xả trạm. Hoặc nếu bị xử phạt thì mức phạt theo quy định hiện hành chỉ 30-40 triệu đồng/vụ, không đáng kể so với số tiền thu được từ hàng dài ô tô đang cố gắng nhích từng mét đường để vượt qua trạm. Do đó, nhiều doanh nghiệp chấp nhận việc đóng phạt hơn là buộc phải xả trạm khi có ùn tắc.
Để xảy ra tình trạng này có một phần nguyên nhân từ việc đơn vị quản lý đường chưa làm tốt công tác cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, chế tài xử phạt nhà đầu tư BOT không chấp hành xả trạm chưa đủ sức răn đe. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, các địa phương, đơn vị chức năng cần phối hợp với doanh nghiệp dự án BOT tiến hành cắm mốc đo khoảng cách kẹt xe. Việc làm này là căn cứ để cảnh sát giao thông chủ động yêu cầu các trạm thu phí xả trạm khi có ùn tắc. Bên cạnh đó, cần có chế tài nặng hơn để nhà đầu tư BOT nghiêm túc chấp hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.