(HNMO) - ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ, qua nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, đại biểu đã chứng kiến nhiều cảnh
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu. |
"Người đi vay nợ khi đến gặp chủ nợ, họ tìm mọi cách hứa thật nhiều, kể cả thế chấp tài sản bảo đảm để mong muốn vay cho được. Trở về với "tiền tươi thóc thật" nhưng oái ăm thay, đến hạn họ không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ỳ. Dù là vì lý do gì đi nữa thì đây là một thói hư, tật xấu mà theo tôi xã hội chúng ta cần phải lên án" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu nêu.
ĐB cũng bày tỏ sự đồng tình cao khi Quốc hội khóa XIV quy định xử lý hình sự các trường hợp vay, mượn, thế chấp tài sản nhưng đến hạn trả, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt.
Trở lại câu chuyện đòi nợ, ĐB tiếp tục nêu thực trạng, chủ nợ thì chạy khắp nơi tìm con nợ "van xin", khi đòi không được thì họ tìm đến công an tố cáo hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, cơ quan công an hướng dẫn chủ nợ nộp đơn sang tòa án để giải quyết vì đây là mối quan hệ dân sự. Chủ nợ lại tiếp tục chờ tòa, chưa biết lúc nào mới thu hồi được nợ.
"Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng nhưng để thoát tội, người vay mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Tôi ước tính phải mất đến 50 năm, người vay còn chưa trả hết gốc, không kể lãi. Đó là thực trạng mà không ít tổ chức tín dụng, người dân lương thiện, biết tôn trọng và cậy nhờ pháp luật phải hứng chịu khi đi đòi nợ. Trong khi nếu là vay tín dụng "đen", chủ vay không bao giờ để yên, tìm mọi cách để lấy cả gốc lẫn lãi, không thiếu một xu. Vì sao tín dụng "đen" đòi được? Câu trả lời là họ dùng "luật rừng", thuê đòi nợ và như thế hình thành các băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê gây phức tạp và bất ổn cho xã hội... Tôi mong pháp luật phải nghiêm minh, hiệu quả để mọi người dân ai cũng tuân thủ pháp luật trong giải quyết các mối quan hệ xã hội" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
Ủng hộ Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu vì mục tiêu chung của nền kinh tế và lợi ích của đất nước, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nhất trí không dùng công quỹ ngân sách để trả nợ xấu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm và yêu cầu các tổ chức tín dụng thúc đẩy, tăng thêm quỹ trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
"Đây là Nghị quyết khó, liên quan đến nhiều ngành. Do đó, tôi mong các ngành liên quan thực hiện một cách quyết tâm, quyết liệt để Nghị quyết phát huy hiệu quả" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ.
Tuy nhiên, ĐB cũng băn khoăn với Điều 14 của dự thảo Nghị quyết quy định về trả vật chứng cho tổ chức tín dụng. ĐB đề nghị bỏ điều này vì: Vật chứng của chủ sở hữu phải trả lại cho chủ sở hữu chứ không thể trả chức tổ chức tín dụng được; vật chứng là tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có, là công cụ, phương tiện lưu hành thì tịch thu sung công quỹ nhà nước; vật chứng không có giá trị thì bị tiêu huỷ nên sẽ không còn để trả lại cho tổ chức tín dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.