(HNM) - Mấy chục năm về trước, hồi còn là học trò, lũ học sinh chúng tôi ghét nhất thói ăn gian. Chạm vào chuyện đó là bị bạn bè tẩy chay. Chả ai muốn chơi với "cái đồ ăn gian". Cho dù chỉ là suy nghĩ con trẻ nhưng đó luôn được coi là suy nghĩ đúng đắn, cần phải rèn luyện cho con người ta đức tính trung thực. Và hồi ấy lũ trẻ chúng tôi vẫn nghĩ người lớn không bao giờ... ăn gian.
Theo một quan chức của Tổng cục Du lịch (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), năm 2010 Việt Nam đón 5 triệu khách quốc tế, tăng trên 1,2 triệu lượt khách so với năm 2009. So với kế hoạch đề ra hồi đầu năm (đón khoảng từ 4,2 đến 4,5 triệu lượt khách quốc tế) thì tăng khoảng 19%. Còn tính bình quân, mỗi tháng của năm 2010 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 420.000 lượt, tăng khoảng 32% so với năm 2009... Đại loại là thế, còn khái quát ra, năm 2010 là năm du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục về lượng khách quốc tế.
Thật đáng mừng và đáng tự hào cho bước tiến ngành "công nghiệp không khói" của Việt Nam. Nhưng...
Phân tích của cơ quan chức năng qua thống kê, theo dõi, năm 2010 khách quốc tế tới Việt Nam với mục đích du lịch, nghỉ ngơi là khoảng 3,1 triệu lượt người; khách đến vì mục đích công việc là khoảng 1 triệu lượt người; 600.000 là con số khách đi thăm thân; còn lại là các mục đích khác.
Con số 3,1 triệu lượt người và hơn 5 triệu lượt người là hoàn toàn khác nhau và "biên độ" chênh lệch không phải là nhỏ. Xét về mặt thuật ngữ, "international tourist" có nghĩa là du khách quốc tế hoàn toàn khác với "international arrival" - khách quốc tế. Đơn giản, du khách quốc tế là khách tới với mục đích du lịch, nghỉ ngơi thuần túy, còn khách quốc tế thì có thể tới để thăm thân, hội họp, buôn bán, thậm chí khảo sát thị trường tìm cơ hội đầu tư...
Cũng chẳng hẹp hòi gì chuyện con số này hay con số kia, nhưng quan trọng hơn là từ con số đó có thể thấy thực chất vị trí ngành du lịch và năng lực thực sự của du lịch Việt Nam. Ví dụ như tính ra, nếu như lượng khách đi bằng đường bộ qua biên giới để làm ăn, thăm thân, buôn bán... thì họ đâu có đi sâu vào nội địa mà sử dụng các dịch vụ du lịch... Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Lã Quốc Khánh cho rằng: Khách du lịch quốc tế không bao gồm những người vào Việt Nam làm việc, đi học quá 6 tháng, thăm thân, các đoàn khách đi với mục đích công vụ, người làm từ thiện, cứu trợ… Năm 2010 chúng ta đón gần 1 triệu lượt khách Trung Quốc nhưng trong số này có bao nhiêu người qua lại biên giới buôn bán làm ăn; bao nhiêu kỹ sư, người lao động vào để làm việc ở các công trình, dự án… và bao nhiêu người tới để tham quan, mua sắm...? Tóm lại, mỗi một mục đích có những cách tiêu tiền khác nhau chứ không thể "hầm bà làng" giữa "international tourist" và "international arrival".
Năm 2010, với 15 triệu lượt du khách quốc tế, doanh thu của Thái Lan vào khoảng trên 430.000 tỷ đồng. Tương tự như vậy, 11 triệu lượt khách quốc tế tới Singapore cho doanh thu khoảng gần 190.000 tỷ đồng. Còn với Việt Nam cho dù con số được thống kê là hơn 5 triệu hay 3,1 triệu khách quốc tế thì doanh thu cũng chỉ có gần 77.000 tỷ đồng mà thôi.
Con số thống kê là để ta xem thực chất mức độ tăng trưởng và từ đó hoạch định chiến lược phát triển. Do vậy con số càng chuẩn xác thì chiến lược đề ra càng sát với thực tiễn. Và tất nhiên con số không chuẩn thì... chỉ dành để tung hô và khen thưởng cho những thành tích ảo.
Trở lại câu chuyện ban đầu, theo cách nghĩ của con trẻ thì liệu sự việc trên có gọi là ăn gian? Trong cách học, cách chơi, cách kinh doanh sản xuất cần phải trung thực đã đành, những người làm công tác quản lý lại càng cần phải trung thực lắm sao!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.